Hôm nay, Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ Hai, 29/07/2019 - 19:27:18
(3138 lượt xem)
Viết Phần ‘Giới Thiệu Bản Thân’ Trên Trang Portfolio Sao Cho Chuẩn?

Hãy thành thật với bản thân, cho mọi người thấy đam mê và cá tính riêng của chính bạn.

Viết một trang giới thiệu về bản thân là vô cùng gian nan bởi bạn cần phải tóm tắt thông tin về bản thân, nghề nghiệp và sự khác biệt của mình một cách thật rõ ràng, nhất quán và tự tin. Điều bạn cần làm là biết cách bật lên tầm quan trọng của bản thân bằng 2 đến 5 đoạn văn mà không phải khoe khoang quá lộ liễu.

Thật tình mà nói, tôi không biết ai có thể cảm thấy thích thú khi viết về bản thân mình. Thậm chí là có đi nữa thì rất khó để xác định điểm xuất phát và biết mình cần phải viết những ý gì. Bạn là người hiểu rõ bản thân nhất, tuy nhiên dường như điều đó chỉ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn mà thôi.

Bài viết bởi tác giả Nicole Fenton trên trang 99u


Trong 10 năm trở lại đây tôi rất may mắn khi có cơ hội giúp đỡ mọi người định hình trang web của họ. Tôi tổ chức workshop với chủ đề tiếp thị và phát triển hồ sơ năng lực, đồng thời bản thân còn cộng tác để viết một quyển sách về cách viết nội dung thân thiện và hữu ích. Khi nói đến chủ đề viết trang giới thiệu bản thân, dưới đây là những bí quyết tôi hay chia sẻ:

  • Hướng đến độc giả lý tưởng.
  • Nhấn mạnh những loại hình công việc bạn muốn làm.
  • Trình bày sự thật theo cách riêng của bạn.
  • Đọc thành lời để đảm bảo những gì mình viết nói đúng về bản thân.
  • Xem nó như một bản nháp. Hãy chia sẻ và cập nhật thường xuyên.

Hãy xem trang giới thiệu bản thân là phương tiện để trình bày thông tin về bạn. Nó không cần phải bao quát toàn diện mọi khía cạnh và bạn cũng không cần đề cập đến những vấn đề khiến mình không thoải mái. Hãy cân bằng giữa tính cá nhân và sự chuyên nghiệp với một chút vui tươi trong đó. Đây là dịp để bạn đặt sự đánh giá cá nhân sang một bên và bắt tay thử nghiệm một vài bài viết để giảm bớt áp lực.

Tôi sẽ chia sẻ với bạn quá trình thực hiện mà tôi thường nói với khách hàng. Đối tượng tập trung là freelancer và những cá nhân hoạt động độc lập, tuy nhiên bạn cũng có thể áp dụng với công ty và dự án riêng của mình.

Suy nghĩ thông suốt

Minh hoạ: Hurca

Thật đầy cám dỗ khi bắt đầu bằng việc tham khảo tác phẩm của người khác để lấy cảm hứng. Tuy nhiên trước khi đắm chìm vào những bài blog hoặc bài đăng trên Pinterest về thiết kế, hãy tìm một nơi thật yên tĩnh để suy nghĩ và viết về mục tiêu của bản thân.

Dành 2 phút cho mỗi phần dưới đây. Bạn có thể cần một tách trà hoặc cà phê, quyển sổ ghi chú và chiếc đồng hồ.

  • Định hướng của bạn là gì trong 1 đến 3 năm nữa?
  • Sự phù hợp giữa công việc và xã hội mà bạn đang sinh sống là gì?
  • Loại hình dự án nào khiến bạn thích thú? (đôi khi cũng thật hữu ích khi liệt kê ra những thứ mà bạn không muốn làm)
  • Bạn mong muốn làm việc với đối tượng khách hàng như thế nào? Đối tác lý tưởng của bạn là ai?
  • Bạn muốn người xem làm gì sau khi xem qua trang web của mình (ví dụ như tuyển dụng hay đăng kí trang blog)?
  • Nếu như có ai đó kể về bạn với một khách hàng tiềm năng thì bạn sẽ muốn người đó nói những gì?

Đây là những hướng dẫn hỗ trợ bạn trong quá trình sau này.

Thu thập ý tưởng

Ở bước tiếp theo, bạn cần phải tạo một danh sách những loại thông tin cần có. Chúng ta vẫn ở giai đoạn khám phá nên bạn đừng quá lo lắng đi tìm những từ khóa “hoàn hảo”. (Tôi thích sử dụng giấy ghi chú để thu thập ý tưởng và sắp xếp chúng bằng tay.)

Minh hoạ: Hurca

Hãy bắt đầu với những điều cơ bản: Một trang giới thiệu cá nhân không cần phải quá trang trọng hay thể hiện bản thân nhiều. Một thiết kế đơn giản chứa những thông tin chính xác sẽ hữu ích hơn rất nhiều. Bạn hãy chia sẻ về bản thân, nơi sinh sống (nếu cần thiết) và nghề nghiệp của mình. Nếu có một tấm ảnh hoặc video mà bạn muốn chia sẻ, đừng ngần ngại thêm vào.

Chia sẻ kinh nghiệm:. Điều khiến bạn tự hào nhất là gì? Đây không phải là một chiếc CV đi xin việc, do đó đừng suy nghĩ quá nhiều khi liệt kê tất cả những công việc mà bạn đã từng làm. Hãy nêu vắn tắt những thành tựu mà mình đạt được, đính kèm những đường dẫn đến ấn phẩm, buổi hội thảo, phỏng vấn, sự kiện và khách hàng của bạn. Nếu đang làm freelancer thì bạn cũng nên nêu ra những kĩ năng và dịch vụ mình cung cấp.

Xin nhắc lại, đây không phải là một chiếc CV đi xin việc.

Cho người khác thấy được đam mê của bản thân: Đừng ngại cá nhân hóa trang giới thiệu cá nhân. Nếu một ai đó ghé thăm trang của bạn thì họ đã cho thấy sự quan tâm ở bạn rồi. Hãy kể ra những điều mà bạn thích làm, món ăn ưa thích, loại sách, gu âm nhạc hoặc quan điểm của mình. Nếu bạn có tài năng gì đặc biệt, hãy cho họ thấy điều đó. Quá trình mà bạn bắt đầu theo đuổi con đường sự nghiệp này là như thế nào? Khía cạnh nào khiến bạn thích thú? Hãy dành thời gian nghĩ về cách làm bản thân nổi bật trước hàng ngàn người cùng trang lứa.

Gợi ý bước tiếp theo: Bạn muốn người khác làm gì sau khi gặp gỡ hoặc xem qua trang cá nhân của mình? Hãy đưa ra một định hướng rõ ràng. Có thể là bạn đang tìm kiếm sự hợp tác trong dự án minh họa, tìm nhà tài trợ cho trang blog hoặc hi vọng có cơ hội làm diễn giả. Bạn cần phải khiến việc liên lạc trở nên thật dễ dàng, và nếu được mời gặp thì hãy đưa ra cụ thể thời gian rảnh cũng như phản hồi từ phía mình.

Khi bạn đã thực hiện những điều trên, hãy bắt đầu trau chuốt mọi thứ để có những yếu tố tốt nhất.

Viết một đoạn giới thiệu ngắn

Hãy chọn viết một đoạn ngắn trong trang giới thiệu bản thân. Bài tập Mad Libs sẽ hỗ trợ bạn trong giai đoạn này thông qua việc điền vào chỗ trống như dưới đây:

Tôi là _______.
Tôi tham gia hỗ trợ ________ trong việc (tạo/xây dựng)_______.
Khi tôi không ________, bạn có thể liên lạc với tôi tại _______.
Tôi rất mong đợi phản hồi từ bạn để hợp tác với nhau.

Hãy tùy chỉnh cấu trúc đến khi nào nó phản ánh đúng nhất về con người bạn. Khi cảm thấy hài lòng thì hãy đặt nó làm phần đề mục hoặc phần đầu của trang. (Nếu cảm thấy thích thú với dạng viết này, bạn có thể tham khảo ngay tại Alexandra Franzen.)

Tạo sự kết nối chặt chẽ

Hãy kiểm tra xem liệu mình có thể bỏ đi một vài chi tiết nào không. Tập trung trả lời những câu hỏi mà bạn nghĩ rằng khách hàng tiềm năng có thể đặt ra cho mình. Tôi cảm thấy rất thích thú với biểu đồ này từ Mitch Goldstein.

Nếu rơi vào thế bí, hãy tham khảo từ trang của những người hoặc công ty trong ngành và xem cách họ trình bày công việc và kinh nghiệm như thế nào. Dưới đây là danh sách ưa thích của tôi:

Thay vì sao chép rập khuôn, hãy nghiên cứu ngôn từ mà họ sử dụng. Họ viết với ngôi thứ nhất hay thứ ba? Họ mô tả bản thân như thế nào? Họ sử dụng các tiêu đề trang trọng, từ ngữ bình dân hay kết hợp cả hai? (Tôi thích cách mà Eileen Ruberto mô tả bản thân với vai trò của một nhà thiết kế. nghiên cứu và người bảo hộ thông tin). Cảm giác mà chúng mang lại cho bạn là gì? Hãy xem bản thân có thể học hỏi được gì từ họ cũng như cách họ giao tiếp với độc giả.

Khi đã có một bản phác thảo sơ lược, hãy đi vào chi tiết:

Biến chúng thành phiên bản thành thật nhất về mình: Bạn nên sử dụng những từ ngữ đơn giản như khi giao tiếp với bạn bè hoặc hàng xóm, tránh những biệt ngữ chuyên ngành trừ khi khách hàng đang tìm kiếm những keyword như thiết kế web tương tác hoặc huấn luyện rèn giũa tâm trí.

Hãy thành thật:. Đây là nơi mà bạn thể hiện cá tính chân thật của chính mình. Bạn không nên nói rằng mình thích làm việc nhóm khi bản thân muốn hoạt động cá nhân. Hãy chia sẻ sự thật và nếu thấy khó khăn khi bày tỏ điều gì, hãy nghĩ cách mà bạn sẽ nói ra nó khi gặp mặt trực tiếp. Tinh thần chuẩn bị trước sẽ tốt hơn nhiều so với việc phải tiết lộ những điều này tại cuộc họp với khách hàng đầu tiên một cách bất ngờ.

Hãy viết ngắn và đủ: Bạn nên kiểm tra các ý chính trong bài viết. Thông tin quan trọng có phải được đặt ở trên đầu? Đừng phức tạp hóa mọi thứ với các cụm từ quá trang trọng và bạn cũng cần giới hạn một câu trong phạm vi ít hơn hoặc bằng 20 chữ.

Hãy đọc thành lời: Quá trình chỉnh sửa bài viết có thể thông qua việc nghe lại. Bạn nên đọc nó ra trong một căn phòng yên tĩnh và tự động bạn sẽ phát hiện những chi tiết bị trùng hoặc không chính xác. Hãy hỏi bản thân:

  • Nó có rõ ràng không?
  • Nó có phản ảnh chân thật về mình?
  • Mỗi từ ngữ đều chính xác chứ?
  • Mình có thể loại bỏ một vài chi tiết không?

Liên tục hoàn thiện nó

Một trong những lỗi lớn mà mọi người thường hay mắc phải là họ luôn cố gắng khiến bài viết hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên. Bạn đang viết bài giới thiệu bản thân trên trang web cá nhân cứ không phải cho tòa soạn báo để in ấn. Bạn có thể thay đổi suy nghĩ, thêm vào hoặc loại bỏ các chi tiết và hoàn thiện nó theo cách mình muốn.

Minh hoạ: Hurca

Đừng lo lắng nếu trang giới thiệu bản thân của mình hơi ngắn, thiếu ý hoặc quá chi tiết. Hãy nhờ một người bạn hoặc đồng nghiệp đọc lại nó và đưa ra nhận xét, từ đó xem liệu người khác có đặt ra câu hỏi nào tốt hơn để bạn hoàn thiện nó hay họ có dành nhiều thời gian xem trang web của mình không.

Sau một vài tuần, bạn hãy xem lại nó. Nó có phản ánh cảm xúc hiện tại của bạn? Nếu mục tiêu của bạn thay đổi hoặc bạn có hình dung rõ ràng hơn về loại khách hàng lý tưởng của mình, đừng ngần ngại chỉnh sửa nó. Hãy duy trì việc kiểm tra vì bạn sẽ phát hiện ra nhiều khía cạnh khác của chính mình, loại công việc cũng như đối tượng mà bạn muốn làm.

Tác giả: Nicole Fenton 
Người dịch: Đáo
Nguồn: 99U

POLYART - TRAINING ART DESIGN

|
|
Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.