Food Styling là từ gọi chung cho công việc của Food Stylist
(tạm dịch: người tạo mẫu thực phẩm). Food Styling hiểu đơn giản là việc
làm các món ăn trở nên bắt mắt và ngon miệng nhất khi lên hình.
Trước nhu cầu nhân lực của ngành này tăng cao trong thời gian gần
đây, rất nhiều yêu cầu từ các bạn độc giả về những nội
dung liên quan đến Food Styling. Và với 5 thủ thuật nhỏ được đúc kết
ngay phía dưới, Polyart tin rằng sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức và
cảm hứng để phát triển tay nghề của mình thật hiệu quả.
1. Sử dụng đá nhân tạo
Đá nhân tạo được ưa chuộng trong các buổi chụp ảnh thức uống bởi
những ưu điểm mà nó mang lại cho bức ảnh cũng như nhiếp ảnh gia. Trong
đó, hai ưu điểm nổi bật nhất phải kể đến là mức độ tinh khiết và sự
thuận tiện.
Mức độ tinh khiết của đá nhân tạo vượt trội hơn hẳn so với đá lạnh
thông thường. Về cấu tạo vật lý, đá lạnh thông thường sẽ có màu trắng và
đục, đôi khi có những đường sọc dài do dòng nước chuyển động lúc đông.
Tuy nhiên, đá nhân tạo hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm đó.
Quan sát bức ảnh bên dưới, sự trong suốt trong từng viên đá mang lại cảm
giác mát lạnh tức thì cho người xem và tạo nét óng ánh tự nhiên khi có
sự phản chiếu ánh sáng.
Và tất nhiên, đá nhân tạo sẽ không tan chảy. Nếu một buổi chụp hình
kéo dài 3 giờ đồng hồ mà chỉ sử dụng đá thông thường, thì chắc chắn
nhiếp ảnh gia sẽ vất vả khi vừa thay những viên đá tan mà vừa lau dọn
liên tục.
2. Tạo màu cho “thức uống không thể uống”
Những ly vang ngon lành trên hình ảnh bạn hay thấy đều là “hàng giả”
bởi vì chúng không phải là rượu vang thật, hoặc là rượu vang thật đã
được pha màu.
Lý do phải tạo màu giả vì sử dụng rượu vang thật khá đắt đỏ đồng thời
cũng không mang đến hiệu ứng hình ảnh tốt nhất. Ví dụ như màu của rượu
vang đỏ thật là một màu đỏ thẫm và tối, dẫn đến khó khăn trong việc
thiết lập ánh sáng ở studio để cho ra những bức ảnh đẹp. Vì vậy, các nhà
tạo mẫu thường nhỏ thêm vài giọt màu thực phẩm để tạo màu rượu sáng
hơn, trong hơn.
Còn
để có một ly rượu vang trắng Chardonnay đầy quyến rũ trên bức ảnh, các
nhà tạo mẫu thường pha nước lã với vài giọt Kitchen Bouquet, mà ở nước
ta hay gọi là nước màu kho cá, nước hàng hoặc nước đường thắng, chúng
được bày bán phổ biến ở các khu chợ, cửa hàng tạp hóa hay trong siêu
thị. Tạo màu giả cho rượu vang vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất
lượng hình ảnh của ly vang như thật. Vậy nên chúng có biệt danh là “thức uống nhưng không thể uống”.
Bên cạnh thức uống nguội như rượu hoặc cocktail, chụp ảnh trà hoặc cà
phê nóng cũng đòi hỏi nhà tạo mẫu sử dụng một số thủ thuật nhỏ. Mấu
chốt để tạo ra một ly cà phê nóng hổi, thơm ngon trong mắt người xem phụ
thuộc khá nhiều vào làn khói bốc lên từ chiếc ly đó. Dẫu rằng Photoshop
hoàn toàn có khả năng tạo được làn khói ấy, nhưng tại sao bạn phải chờ
đến hậu kì trong khi có thể làm ngay tại studio một cách đơn giản.
Để
thể hiện được hiệu ứng tỏa khói, bạn cần chuẩn bị một bức nền màu tối,
một chiếc ly nhỏ hơn chủ thể bức ảnh và một ít nước sôi. Rót nước sôi
vào chiếc ly nhỏ rồi đặt gọn phía sau chủ thể, đảm bảo khuất khỏi khung
hình. Khói từ ly nước sôi sẽ tỏa lên và nổi bật trên bức nền tối, cho
bạn hiệu ứng ly cà phê nóng hổi và “rất thật”.
3. Giả lập hiệu ứng ngưng tụ hơi nước
Không có gì giúp cho một thức uống lạnh trông tươi mát hơn là những
giọt nước lấm tấm ngoài thành ly. Nắm bắt được tâm lý đó, các nhiếp ảnh
gia hoặc nhà tạo mẫu khi chụp ảnh thức uống lạnh thường phun một ít nước
lên để tạo cảm giác ướt át, tuy nhiên thực tế lại khó thực hiện bởi vì
chúng chỉ đọng lại vài giây rồi nhanh chóng lăn xuống. Để khắc phục điều
đó, thủ thuật pha glycerin với nước được ra đời.
Glycerin ở thể sệt như gel, trong suốt, không mùi, có vị hơi ngọt, có
khả năng hấp thụ nước và giữ nước, được bày bán rộng rãi ở các hiệu
thuốc hoặc bách hóa mỹ phẩm. Nhờ khả năng giữ nước của glycerin mà hiệu
ứng ngưng tụ hơi nước bên ngoài ly sẽ kéo dài lâu hơn, giúp buổi chụp
hình của bạn thuận lợi hơn rất nhiều.
Tỷ lệ glycerin pha với nước phụ thuộc vào độ lớn của giọt nước mà bạn
mong muốn. Tuy nhiên 50:50 là một tỷ lệ chuẩn để bạn bắt đầu thử nghiệm
hiệu ứng này. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn tạo những giọt nước đồng đều
kích cỡ với nhau thì hãy sử dụng bình xịt nhỏ và phun hỗn hợp lên thành
ly. Còn nếu bạn muốn những giọt nước có kích thước lớn bé khác nhau thì
hãy sử dụng thêm ống nhỏ mắt, kim tiêm hoặc đầu đũa để sắp đặt chúng
theo ý muốn.
Sau
khi hoàn thành buổi chụp, bạn chỉ cần dùng nước ấm là có thể rửa sạch
hỗn hợp glycerin. Thủ thuật này đáp ứng được tất cả tiêu chí: rẻ, hiệu
quả và đơn giản.
4. Giả lập món nướng
Một trong những tiêu chuẩn để thể hiện một món nướng ngon là hình ảnh
vết hằn của vỉ nướng lên trên phần thịt. Dù thực sự món ăn đó có được
nướng trước khi mang vào studio hay không, thì các nhà tạo mẫu vẫn áp
dụng vài mẹo nhỏ dưới đây để món ăn thêm phần bắt mắt.
Với
món gà nướng, bạn hãy bắt đầu bằng việc cắt bỏ những phần da bị rách
hoặc những mảng thịt vụn và rưới đều một lớp dầu ăn lên toàn bộ bề mặt
thực phẩm. Sau đó, áp chảo gà trên chảo không dính với lửa vừa cho tới
khi phần thịt ngả sang màu vàng nâu thì cho ra một tấm giấy bạc. Trong
lúc áp chảo, bạn có thể sử dụng thêm nước màu kho cá để tạo lớp da nâu
đậm màu hơn.
Sau khi đã tạo được lớp màu hấp dẫn trên toàn bộ bề mặt thịt và gói
trong giấy bạc, bước tiếp theo bạn cần sử dụng một chiếc đèn khò để làm
cháy cạnh những phần thịt phía ngoài, như vậy món gà nướng trông sẽ tự
nhiên hơn.
Đối
với cách tạo một miếng thịt bò nướng ngon lành, bạn cũng cần tạo lớp áo
màu nâu vàng và những vết hằn của vỉ nướng. Để tiến hành tạo vết hằn,
bạn cần sự hỗ trợ của dụng cụ gọi là “charcoal starter” (tạm dịch: dụng
cụ làm nóng than bằng điện) để tạo những vết lằn theo ý muốn.
Riêng đối với hải sản, đặc biệt là món tôm nướng, bạn hãy chần tôm
trong nước sôi cho đến khi tôm chuyển sang màu hồng đẹp mắt. Sau khi vớt
ra, hãy cho ngay tôm vào một tô nước lạnh để phần thịt tôm giữ được độ
săn và căng mọng. Cũng tương tự như thịt nướng, charcoal starter cũng
được sử dụng lên phần thịt tôm để tạo cảm giác tôm đã được nướng đều
trên vỉ.
5. Tạo mẫu với món trứng
Trứng được đánh giá là một trong những món ăn khó tạo kiểu nhất từ trước đến nay.
Đầu tiên là với món trứng chiên. Để món trứng có lòng đỏ tươi và
không cháy cạnh, bạn không được để nhiệt độ tác dụng lên trứng khi có
dầu hoặc nước trong chảo. Nghĩa là bạn cần làm nóng chảo không dính
trước mà không có dầu ăn, đồng thời không cho trứng trực tiếp lên chảo
mà phải đập trứng vào một tấm rây thật mịn để ráo nước, sau đó mới nhẹ
nhàng cho phần trứng vào sau. Điều chỉnh lửa ở mức thấp cho đến trung
bình, quan sát khi lòng trắng vừa chín tới rồi xịt một muỗng dầu ăn lên
bề mặt trứng và tắt bếp.
Đối
với trứng luộc, bạn cần luộc số trứng nhiều hơn số lượng thực dùng từ
một đến hai quả. Khi luộc, hãy đảm bảo nước đủ sôi và chỉ luộc trứng
trong khoảng một phút, sau đó vớt nhanh trứng ra cho vào bát nước lạnh.
Đến lúc trình bày lên dĩa, bạn hãy múc một ít lòng đỏ từ quả trứng dự bị
qua quả trứng chủ đạo để tạo cảm giác đầy đặn và hấp dẫn hơn ở người
xem.
Biên tập: Thùy Vân
Nguồn: expertphotography
POLYART - TRAINING ART DESIGN