Hôm nay, Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ Sáu, 22/02/2019 - 09:16:05
(974 lượt xem)
[UI Design] 10 Lời Khuyên Giúp Cải Thiện Typography Trên Web

Giao tiếp đóng vai trò tối quan trọng trong thiết kế - nó tạo ra mối liên kết giữa website và người dùng, giúp họ đạt được những mục tiêu mong muốn.

Khi nói về vấn đề giao tiếp trong môi trường thiết kế web, chúng ta thường đề cập đến những con chữ. Do vậy, Typography chính là yếu tố đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình này.

Hơn 95% thông tin có trên các website đều được thể hiện dưới dạng văn bản.

Tối ưu hóa Typography cũng là tối ưu hóa khả năng đọc và tính khả dụng nhằm tạo ra một thiết kế hài hòa cho người dùng. Dưới đây là 10 quy tắc giúp bạn cải thiện tính dễ đọc của văn bản trên website.

1. Giữ số lượng font chữ được sử dụng ở mức tối thiểu

Việc sử dụng nhiều hơn 3 font chữ khiến website của bạn không những thiếu sự liên kết mà còn tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp, chính điều này sẽ phá hỏng bất kỳ bố cục dàn trang nào bạn tạo ra.

Đôi khi, bạn chỉ cần sử dụng duy nhất một font chữ thôi cũng đã đủ. Nhưng nếu bạn sử dụng nhiều hơn một font chữ, hãy chắc chắn rằng những font đó có thể kết hợp với nhau. Ví dụ bên dưới cho thấy các font chữ có nhiều điểm tương đồng có thể dễ dàng tạo nên một cặp hài hòa. Ngược lại, khi kết hợp font chữ Baskerville và Impact, chúng ta không thấy được những điểm tương đồng đó đặc biệt là khi so sánh về “sức nặng” của font chữ.

2. Cố gắng sử dụng những font tiêu chuẩn

Các dịch vụ đính kèm font chữ (như Google Web Fonts hay Typekit) mang lại cho bạn rất nhiều sự lựa chọn thú vị giúp thiết kế của bạn trở nên đặc biệt, mới mẻ hơn. Những dịch vụ như này rất dễ sử dụng, hãy lấy Google làm ví dụ:

  1. Chọn bất kỳ font nào bạn muốn
  2. Tạo mã code và dán nó vào trong thư mục HTML của trang web
  3. Voila! Quá đơn giản.
Image result for google web font

Trên thực tế, phương pháp này lại có một vấn đề nghiêm trọng — người dùng thường quen thuộc với những font chữ tiêu chuẩn hơn, vì chúng cải thiện tốc độ đọc và tính dễ đọc của văn bản.

Trừ trường hợp website của bạn có mục đích cụ thể khi thêm vào một font chữ tùy chọn như mục đích về phát triển branding hay đem đến cho người dùng một trải nghiệm đặc biệt, tuy vậy việc sử dụng những font hệ thống (như Arial, Calibri, Trebuchet, etc) vẫn là phương pháp tốt nhất. Hãy nhớ rằng, sử dụng typography hiệu quả là hướng sự chú ý của người dùng vào nội dung văn bản chứ không phải những chi tiết thiết kế đặc thù của font chữ.

3. Giới hạn độ dài của dòng kẻ

Việc cân đối một lượng vừa đủ các ký tự xuất hiện trong mỗi dòng là giải pháp tối ưu giúp tăng khả năng đọc văn bản trên trang của bạn. Độ dài của các ký tự không nên phụ thuộc vào thiết kế mà nên dựa trên tính dễ đọc của văn bản. Học viện Baymard đã đưa ra phân tích:

“Hãy sử dụng trong khoảng 60 ký tự/một dòng nếu bạn muốn đem đến trải nghiệm đọc trôi chảy cho người dùng”

Đối với các thiết bị nhỏ gọn hơn như điện thoại, bạn có thể sử dụng từ 30 đến 40 ký tự trong một dòng. Dưới đây là ví dụ về hai trang web được hiển thị trên điện thoại. Trang đầu tiên sử dụng từ 50-75 ký tự trong một dòng (số lượng ký tự tối ưu trên màn hình máy tính), trong khi trang thứ hai sử dụng từ 30-40 ký tự tối ưu cho màn hình của các thiết bị điện thoại.

Trong thiết kế web, bạn có thể sử dụng em hoặc pixel để tạo ra các khung chữ nhằm giới hạn số lượng ký tự được hiển thị trong một dòng để đạt được hiệu quả đọc cao nhất.

4. Chọn Typeface linh hoạt với mọi kích cỡ

Người dùng sẽ truy cập trang của bạn từ mọi thiết bị với đa dạng các kích cỡ màn hình và độ phân giải khác nhau. Hầu hết giao diện người dùng đòi hỏi những yếu tố liên quan đến văn bản tương ứng với các kích cỡ khác nhau (bao gồm tiêu đề nút bấm, nhãn dán của từng mục, headers, footers, etc). Việc lựa chọn chính xác typeface hoạt động tốt với mọi kích cỡ sẽ đảm bảo hiệu quả đọc và tính khả dụng trên mọi thiết bị.

Hãy đảm bảo rằng typeface bạn chọn có thể dễ dàng đọc trên các màn hình nhỏ, cố gắng tránh những loại font chữ sử dụng nhiều nét cong, chẳng hạn như Vivaldi là một ví dụ. Mặc dù chúng khá đẹp nhưng lại gây khó khăn trong việc đọc.

5. Sử dụng các font chữ với ký tự được phân biệt rõ ràng

Rất nhiều typeface gây bối rối cho người dùng bởi những chữ trông gần giống nhau, đặc biệt khi chữ “i” xếp ngay cạnh chữ “L” (như hình bên dưới), hay khi khoảng cách giữa các chữ không được cân đối khiến chữ “r” và chữ “n” đi cùng nhau trông không khác gì một chữ “m”. Do vậy khi lựa chọn font chữ, hãy chắc rằng bạn đã thử nghiệm bộ font đó trong các trường hợp khác nhau để không gây ra bất kì vấn đề nào cho người dùng.

6. Tránh việc sử dụng ALL CAPS.

Văn bản ALL CAPS — hay loại văn bản mà tất cả các ký tự đều được viết hoa chỉ nên được sử dụng khi bạn muốn thể hiện một từ viết tắt thông dụng hoặc logo của thương hiệu. Không nên sử dụng chúng trong trường hợp bạn muốn người dùng đọc hết cả đoạn văn bản. Như Miles Tinker đã đề cập đến trong quá trình nghiên cứu của ông, văn bản ALL CAPS làm giảm khả năng đọc và scanning khi so sánh với loại văn bản thông thường.

7. Không nên rút ngắn khoảng cách giữa các dòng

Trong typography, chúng ta có một thuật ngữ đặc biệt dùng để mô tả khoảng cách giữa hai dòng nối tiếp nhau được gọi là leading (hay line height). Bằng cách tăng leading, khoảng cách giữa các dòng cũng được tăng lên nhằm mục đích cải thiện khả năng đọc, đổi lại, màn hình sẽ bao quát được ít nội dung hơn. Như một quy tắc cố định, để tăng khả năng đọc, leading nên lớn hơn 30% so với chiều cao của ký tự trong văn bản.

Việc sử dụng hợp lý khoảng trắng giữa các đoạn văn bản có thể làm tăng khả năng đọc hiểu lên đến 20%, theo một nghiên cứu của Dmitry Fadeyev. Ngoài việc sử dụng khoảng trắng để cung cấp cho người đọc những thông tin dễ hiểu hơn, nó còn nhằm mục đích loại bỏ các chi tiết ‘ngoại lai’ cản trở quá trình đọc.

8. Đảm bảo độ tương phản về màu sắc được sử dụng phù hợp

Không nên sử dụng những màu sắc giống nhau hoặc tương đồng cho chữ và nền. Văn bản càng trở nên rõ ràng bao nhiêu thì người dùng sẽ có khả năng đọc hiểu nhanh hơn bấy nhiêu. Theo quy tắc W3C, độ tương phản giữa chữ và hình cần đảm bảo đúng tỉ lệ sau đây:

  • Văn bản với kích cỡ chữ nhỏ nên có tỉ lệ tương phản tối thiểu là 4.5:1 so với nền;
  • Văn bản có kích cỡ chữ lớn hơn, từ 14 pt (kiểu chữ bold) hoặc 18 pt (kiểu chữ regular) nên có tỉ lệ tương phản tối thiểu 3:1 so với nền.

Một khi bạn đưa ra sự lựa chọn về màu sắc, hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hiện kiểm tra nó với người dùng trên mọi thiết bị thông dụng. Nếu có bất kì vấn đề gì xảy ra với việc đọc văn bản, bạn nên hiểu rằng người dùng của bạn cũng có thể gặp những vấn đề tương tự.

9. Tránh việc sử dụng màu xanh và đỏ cho chữ

Mù màu là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở nam giới (8% nam giới được xác nhận bị mù màu), điều này chỉ ra rằng chúng ta cần sử dụng các biện pháp để phân biệt những thông tin quan trọng dành cho người mù màu. Tránh sử dụng duy nhất hai màu xanh và đỏ để  truyền tải thông tin bởi vì đỏ và xanh là hình thái phổ biến nhất của sự mù màu.

10. Tránh sử dụng chữ nhấp nháy

Nội dung nhấp nháy có khả năng gây ra tai biến mạch máu não đối với những người dễ bị nhạy cảm bởi nó. Những nội dung như này thường không chỉ là tác nhân gây ra cơn tai biến mà còn khiến người dùng cảm thấy khó chịu và làm giảm sự tập trung một cách đáng kể.

Kết luận

Việc áp dụng typography ảnh hưởng rất lớn đến website của bạn, chính vì vậy hãy áp dụng nó một cách hiệu quả đồng thời cân nhắc đến các yếu tố về tính dễ đọc, dễ hiểu trong toàn bộ văn bản.

Biên dịch: Limon
Nguồn: UXplanet - iDesign
POLYART - TRAINING ART DESIGN

|
|
Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.