Hôm nay, Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024
Thứ Tư, 22/06/2011 - 15:43:46
(4789 lượt xem)
Lê Thị Bích Loan: "Khi đã lựa chọn là phải có lý do".

 Thiết kế của Bích Loan

 Một thiết kế của cô Bích Loan.

Là một người có nhiều kinh nghiệm về thiết kế, quản lý và giảng dạy khi tuổi đời còn rất trẻ, Giám đốc sáng tạo Lê Thị Bích Loan còn nổi tiếng là người có nghị lực phi thường, dám nói dám làm và khẳng định bản lĩnh của mình. Cô hiện đang giảng dạy tại Polygon, đồng thời đã và đang nắm giữ hàng loạt vị trí quan trọng tại các công ty trong và ngoài nước. Người viết cho rằng, giảng viên Bích Loan không chỉ tạo nên sự ngưỡng mộ bằng một portfolio ấn tượng, mà còn bằng những điều ở tính cách, con người trong cuộc sống thường nhật ngoài công việc. Những chia sẻ của giảng viên Bích Loan dưới đây sẽ cho người đọc có một cái nhìn toàn vẹn và cảm nhận được sâu sắc hơn về con người cô.

- HN: Cô cho biết đôi nét về công việc và các vị trí mà cô đã và đang đảm nhiệm?

BL: Nói về vị trí đảm nhiệm thì mình thực sự có duyên với công việc quản lý, ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc (2007), mình đã được mời làm Giám đốc điều hành cho một công ty thiết kế quảng cáo. Sau đó, hầu như các vị trí của mình luôn là Art Director hoặc Design Leader, gần đây nhất là Creative Director cho một tập đoàn Canada… Nói có duyên vì khi apply vô các công ty mình chỉ muốn làm designer bình thường, nhưng không ngờ khi vào được một thời gian ngắn lại được sếp cấn nhắc lên những vị trí quan trọng đó.

Hiện tại mình đang tạm hài lòng với công việc tại công ty Thiết kế - in ấn bao bì Tăng Phú và mình hài lòng về môi trường làm việc ở đây.

- HN: Bí quyết giúp cô thành công với nghề design là gì?

BL: Thật ra bí quyết thì cũng không có gì ghê gớm cả (cười), chủ yếu được tích lũy từ những kinh nghiệm làm việc thực tế mà ra, khi đi làm rồi mới biết ngoài thiết kế tốt, muốn thành công thì cần phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nữa; ví dụ như phải nắm vững kiến thức in ấn, kỹ năng thuyết trình và thuyết phục khách hàng, kỹ năng tạo dựng mối quan hệ, kỹ năng giữ chân khách hàng… Muốn có được những điều này designer phải đi làm nhiều, va chạm nhiều mới có được….

Tuy nhiên, mình cho rằng, cách mà mình luôn được khách hàng lựa chọn hợp tác là tinh thần không ngại khó (ví dụ như không ngại sửa tới sửa lui), luôn đặt bản thân mình là khách hàng để nắm bắt tâm lý họ và một khi thỏa thuận giá cả xong (dù có rẻ đi nữa) thì trong lúc thiết kế mình không nhìn về giá mà nhìn về mục tiêu muốn đạt tới của khách hàng trong project này.

Thiết kế của Bích Loan 

 Thiết kế cho nhãn hiệu nước uống Mirinda.

- HN: Là một người vừa thiết kế, vừa giảng dạy, cô có thể cho biết những ưu và nhược điểm của các bạn sinh viên theo học ngành graphic designer bây giờ?

BL: Mình nhận thấy các bạn sinh viên bây giờ năng động hơn, biết nhiều phần mềm hơn và có nhiều lợi thế so với tầng lớp đi trước do sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại, internet, những trang web hỗ trợ thiết kế quá nhiều… Tuy nhiên, cũng chính điều này mà các bạn đa phần bị phụ thuộc vào tư liệu share trên mạng, việc biết nhiều (nhấn mạnh – HN) phần mềm giúp cho các bạn có thể nộp đơn dễ dàng ở những công ty tuyển dụng nhưng thực tế không phải bạn nào cũng thành thạo hết các phần mềm đó. Trong gần 5 năm đứng ở vị trí tuyển dụng designer, mình luôn nhận được những hồ sơ các bạn ghi rằng mình biết rất nhiều phần mềm nhưng tới khi phỏng vấn thì chỉ nhận được những câu trả lời hết sức ngây thơ như: “Em có học nhưng lâu rồi không đụng tới” hoặc “Em biết sơ sơ”… Thêm một điều khó khăn cho các bạn bây giờ là Graphic design đã bắt đầu bão hòa về nhân lực, do đó muốn thành công các bạn phải thực sự đam mê (không nên học theo phong trào), phải luôn học hỏi để phát triển tay nghề, luôn cập nhật thông tin để không bị lạc hậu với thiết kế của thời đại…

- HN: Theo cô, để làm tốt các bài tập cũng như đồ án tốt nghiệp, sinh viên học design cần lưu ý những gì?

BL: Đầu tiên là các bạn nên lựa chọn đề tài cẩn thận, tiếp theo cần xác định ý tưởng tổng thể xuyên suốt, rồi từ đó mới tính đến việc suy nghĩ phương án thể hiện dựa trên ý tưởng ban đầu. Mình thấy đa số các bạn cứ lên máy thiết kế mà không suy nghĩ tạo ra ý tưởng trước, điều này dễ khiến các bạn bị hoang mang và không có phương hướng đi tiếp.

Một khi đã lựa chọn thì phải có nguyên do, chính những nguyên do sẽ là lý luận vững chắc giúp các bạn bảo vệ bài của mình, chẳng hạn như tại sao tôi chọn đề tài này, tại sao tôi dùng nét vẽ, tại sao tôi dùng màu xanh…

Một điều lưu ý nữa là các bạn cứ bị những bài của năm trước ám ảnh, rồi tự suy luận ra…”gu” của thầy cô, sau đó đi theo cái  “gu ảo” đó, điều này khiến các bạn luôn bị động trong tình trạng sợ sệt, không phát huy được khả năng sáng tạo của bản thân mình.

- HN: Vừa đi làm, vừa đi dạy, chắc hẳn cô sẽ có những kỷ niệm bất ngờ. Có khi nào cô “đụng” sinh viên của mình chưa?

BL: Có một kỷ niệm là mình và học trò đã vô tình “đụng độ” nhau trong một cuộc phỏng vấn (cười tươi). Đó là một công ty Singapore, khi mình được mời tới phỏng vấn (do có nhu cầu thay đổi chỗ làm, một người bạn đã đưa contact của mình cho sếp bên đó), thì bất ngờ được một bạn nam ở đó “chào cô”, nhưng mình không nhớ bạn đó là học trò của mình. Cho tới khi biết bạn đó cũng đi phỏng vấn thì mình thực sự khó xử. Nói thật lòng thì mình cũng từng nhìn qua portfolio của bạn đó rồi. Sếp người Sing tiến hành phỏng vấn và bạn đó nói tiếng Anh cực tốt… Tới phiên mình, sếp hỏi (bằng tiếng Anh):

Thiết kế của Bích Loan 

 04 trong số 09 poster bài tốt nghiệp của cô Bích Loan.

- Sao em vui vậy? Thấy mặt em rất là phấn khởi.
- Dạ, em vui vì thấy học trò em đi phỏng vấn.
- Anh ta là học trò em à?
- Dạ.

Sếp coi portfolio của mình xong quay qua hỏi yêu cầu về mức lương. (Một kinh nghiệm cho các bạn khi đi xin việc là nếu người ta xem xong profile của mình mà hỏi lương có nghĩa là mình đã được người ta ok về năng lực rồi đó).

- Em muốn lương bao nhiêu?
- Dạ đợi em chút anh… Em không muốn phỏng vấn nữa.
- Sao vậy?
- Em muốn nhường cơ hội cho học trò của em.
- Anh ấy nói tiếng Anh rất tốt nhưng portfolio thì….
- Em biết nhưng nếu anh cho anh ta một cơ hội, em nghĩ anh ta sẽ làm tốt công việc của mình.
- Cám ơn em, thật tiếc khi em không tham gia công ty, tôi sẽ suy nghĩ về đề nghị của em.

Đó là một câu chuyện mà mình cảm thấy đáng nhớ và là một kỷ niệm vui trong đời.

- HN: Cô có thể chia sẻ những khó khăn khi vừa làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, vừa hoàn thành rất tốt công việc của mình, khi trông cô rất mong manh, nhỏ bé và gặp khó khăn trong việc đi lại do đôi chân bị di chứng ngày nhỏ?

BL: Đúng là mình đã rất khó khăn khi phải dung hòa những vai trò trên, mỗi ngày mình phải tự lên lịch để thực hiện tốt cho từng vai trò đó… Đi làm từ sáng đến 15h30, mình ăn vội một cái bánh bao hoặc một ổ bánh mì thịt rồi chạy lên trường dạy học, về tới nhà là 21h30, con mình đã ngủ, mình chỉ gặp con được khoảng 60phút/ngày. Những ngày không đi dạy thì mình tranh thủ chăm sóc và chơi với con, cuối tuần mình luôn tạo điều kiện để dẫn bé đi chơi bù đắp lại nguyên tuần không gặp cha mẹ…

Rất may mắn là mình luôn có ba mẹ và chồng bên cạnh, ba mẹ giúp mình chăm sóc baby, ông xã luôn đồng hành trên mọi công việc. Mỗi ngày anh ấy đưa mình đi làm và đi dạy, tới trường thì phải dắt mình lên các bậc thang xong anh chạy ra quán café và chờ mình về, anh chấp nhận ăn cơm bụi quanh năm mà không một lời than vãn…

- HN: Theo cô, thiết kế khó hơn hay giảng dạy khó hơn? Làm sao cô dung hòa được cả hai yếu tố đó?

BL: Theo mình mỗi nghề đều có cái khó và dễ riêng. Cái khó của người design là phải phục vụ được khách hàng, cái khó của người giáo viên là dạy cho học trò biết cách phục vụ khách hàng. Để dung hòa được hai yếu tố đó mình phải nắm vững lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tế để truyền đạt lại một cách có hiệu quả nhất…

- HN: Có một designer từng tâm sự rằng họ bị mất một hợp đồng với khách hàng do bị thua mối quan hệ, trong khi họ có năng lực thiết kế. Quan điểm của cô về vấn đề này thế nào?

gia đình cô Lê Thị Bích Loan 

 Gia đình nhỏ của cô Bích Loan.

BL:
Như đã nói ở trên khi đi làm khác hẳn với thực tế, ngoài việc chứng tỏ năng lực chuyên môn, các bạn designer cần rèn luyện những kỹ năng mềm mới có khả năng thành công được… Khi còn là sinh viên mình có nghe một người đàn anh trong nghề nói: “Thiết kế đẹp mới thành công 30% thôi, 70% còn lại là thuyết phục khách hàng”. Lúc ấy mình không hài lòng khi nghe câu nói đó nhưng khi đi làm mình lại thấy điều đó lại là sự thật.

Cảm ơn cô về buổi nói chuyện ngày hôm nay!

Lê Thị Bích Loan sinh năm 1983 tại An Giang, cô là thủ khoa người khuyết tật đầu tiên của Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM với đề tài: “Trung tâm phục hồi chức năng – Nơi khơi dậy niềm tin sống cho người khuyết tật”. Năm cô được gần 2 tuổi thì bị liệt cả người sau lần tiêm vắc xin ngừa bại liệt không đúng thuốc. Vượt qua mọi mặc cảm và bao chông gai, thử thách, cô đã sống, làm việc và thực hiện được mơ ước của mình trong sự cảm phục, ngưỡng mộ của người thân, bạn bè và học trò. Thông điệp cô muốn nhắn nhủ trong đề tài tốt nghiệp của mình là: “Nếu có nghị lực, niềm tin cộng với sự hỗ trợ của cộng đồng, người khuyết tật cũng có thể thành công và hạnh phúc”. Ngoài hậu phương vững chắc từ gia đình lớn, “đôi chân” của cô bây giờ là người chồng rất mực yêu thương, gần gũi và sát cánh bên cô trong suốt thời gian qua, và ngày ngày cô lại được tiếp thêm nghị lực từ đứa con gái bé bỏng. Đó chính là chỗ dựa vững chắc để cô sáng tạo và cống hiến.


Tìm hiểu thêm về Giám đốc sáng tạo Lê Thị Bích Loan tại đây.

Huệ Nam.

Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.