|
Vẽ tả thực.
|
Thiết kế đồ án trang trí hoa lá là một môn vô cùng quan trọng, có nội dung và đề tài được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thiết kế trang trí hiện đại. Các thiết kế đồ án hoa lá,đồ án động vật, đồ án nhân vật và cả đồ án phong cảnh… đều có một phương pháp chung và các bước tiến hành cơ bản như nhau, đều cần phải kinh qua các giai đoạn quan sát và tả thực; luyện tập tạo hình cơ bản; bố cục có dạng hoa văn đơn lẻ, bố cục có dạng hoa văn liên tục (hai hướng), bố cục có dạng hoa văn thích hợp, bố cục có dạng hoa văn liên tục (bốn hướng)… hình thành một hệ thống thiết kế đồ án trang trí hoàn chỉnh. Hệ thống này bắt nguồn từ việc từng bước tiến hành luyện tập thâm nhập thực tế cho đến giai đoạn thể hiện tác phẩm.
Quan sát và tả thực:
Quan sát và vẽ tả thực là cách thức trọng yếu của quá trình thiết kế đồ án hoa lá. Trong suốt quá trình vẽ tả thực cần chú ý và quan sát thật kỹ lưỡng qui luật sinh trưởng cũng như các đặc tính của loài hoa, tạo hình của cánh hoa và số cánh, đặc điểm của nhụy hoa, là loài hoa đơn nhụy hay hoa đa nhụy, dài hay ngắn… Đặc biệt nên chú ý quan sát hình dáng của hoa dưới các góc độ khác nhau để xem góc độ nào có thể thể hiện được tốt nhất những đặc điểm chính của loài hoa. Có loài hoa nhìn chính diện không rõ đặc điểm thế nhưng khi nhìn trắc diện lại rất sinh động (ví dụ như hoa mai côi, đặc điểm nhìn chính diện so với hoa nguyệt quí và hoa đỗ đơn sai biệt rất lớn nhưng khi nhìn trắc diện mới thấy dễ biểu hiện hơn). Nhắc đến tạo hình của lá, phải lưu ý quan sát đặc điểm ngoại hình của nó: lá dạng tròn hay nhọn, gân lá đối sinh hay hỗ sinh. Những thông tin này sẽ thông qua quá trình vẽ tả thực ăn sâu vào ý niệm thiết kế của bạn, sẽ khiến bạn trong lúc thiết kế một cách vô thức có thể sử dụng tư liệu tích lũy trong tâm trí mà tiếp ứng ra bàn tay.
Thiết kế tạo hình cơ bản:
Từ tư liệu vẽ tả thực đến thiết kế đòi hỏi chúng ta phải kinh qua một giai đoạn tạo hình cơ bản, đối với những người mới bắt đầu thì việc đem tư liệu tả thực chuyển thành đồ án tạo hình là cả một quá trình, nắm chắc quá trình này mới có thể có được nền tảng vững chắc cho mọi chủng loại thiết kế sau này. Thực chất quá trình này là gì? Chúng tôi yêu cầu các bạn tiến hành phân tích các bộ phận của lá và bào hoa của các loài hoa, tiến hành các qui ước, luyện tập sự biến hóa tạo hình từ nguyên thể đến giản lược, từ bất qui tắc đến qui tắc… Tiếp theo sử dụng các thủ pháp trang trí bằng điểm, đường, mảng… của tất cả các hình thức cơ bản của bố cục trang trí các loại.
Thiết kế đồ án liên tục (hai hướng):
Đồ án liên tục dạng 2 hướng là một trong những hình thức trọng yếu của bộ môn thiết kế đồ án trang trí, phương án trang trí này sử dụng các hình đơn lẻ bố trí theo hướng trên, dưới hoặc trái phải hình thành một đồ án trang trí đường diềm, nói chung thích hợp cho việc trang trí các đường biên trải dài, trang phục, đồ sứ và cũng hay được sử dụng trong lĩnh vực thiết kế bao bì. Cách thức bố cục liên tục (hai hướng) biến hóa rất đa dạng, nhìn chung có thể phân làm 8 thể thức khác nhau. Trong suốt quá trình thiết kế, bạn nên chú ý qui luật biến đổi của từng loại. Ví dụ như các qui luật biến đổi lặp lại, to nhỏ, sắc điệu… cốt sao đạt được hiệu quả thị giác hoàn chỉnh.
Thiết kế đồ án có dạng hoa văn thích hợp:
Hoa văn thích hợp chủ yếu dựa trên hình dáng bề ngoài của các loại sản phẩm để tiến hành thiết kế. Ví dụ hình tròn, hình vuông, hình tam giác … tạo hình của đồ án phải thích hợp với một loại hình dạng nào đó. Cách thức bố cục loại đồ án dạng thích hợp chủ yếu được phân thành các hình thức bố cục sau: bố cục đều, đối xứng, nhiều tầng… mang tính nghệ thuật và giá trị thưởng thức mạnh mẽ.
Thiết kế đồ án trang trí dạng đơn lẻ:
Sau khi đã có hình dáng cơ bản rồi, bước tiếp theo chúng ta sẽ bố cục thành một đồ án dạng đơn lẻ. Phương pháp bố cục như sau: tổ hợp các yếu tố tạo hình hoa và lá dựa trên hai phương thức chính là đồng đều và đối xứng khiến nó trở thành một đồ án đơn lẻ tuy đơn giản mà hoàn chỉnh. Đồng thời sử dụng hiệu quả phối hợp của các màu sắc khác nhau để biểu hiện hấp lực cho đồ án.
Thiết kế đồ án liên tục (bốn hướng):
Loại đồ án này chủ yếu dùng để thiết kế bề mặt chất liệu vải may trang phục. Đặc điểm lớn nhất của loại đồ án này chính là hình thức bố cục liên tục theo hướng trên dưới, trái phải và nhìn chung có thể chia thành các cách thức bố cục sau: bố cục 2 điểm, 3 điểm, 4 điểm, 5 điểm và thông thường không vượt quá 6 điểm. Cách bố cục này dựa trên bội số để định số điểm. Đồ hình tại mỗi điểm nên có sự biến đổi về phương hướng, độ lớn nhỏ sao cho thuận mắt ở mọi góc độ. Hiệu quả của sự biến đổi trong đồ án liên tục (bốn hướng) rất phong phú đồng thời cũng là tác phẩm trang trí thường thấy trên trang phục.
Phạm Xuân Bách dịch trong cuốn “Đồ án trang trí hoa lá cơ bản” của tác giả Lục Hồng Dương, NXB Mỹ thuật Quảng Tây, Trung Quốc ấn hành.