Những khó khăn thường gặp khi chọn đề tài tốt nghiệp.

Đa số các bạn sinh viên ngành Đồ họa vi tính thường bị lúng túng, hoang mang khi bước vào giai đoạn làm đồ án tốt nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là đồ án lớn nhất của bạn từ trước đến giờ. Nhiều bạn đã thành công trọng việc quyết định đề tài nào để theo đuổi, nhưng cũng có không ít người thực sự đau đầu vì lỡ chọn những đề tài hóc búa, dẫn đến tình trạng không đủ lực để đi tới đích hoặc không tìm ra được phương thức thể hiện để đẩy bài mình tốt hơn, thể hiện ý tưởng mạnh hơn…

Chọn đề tài đã khó, thể hiện đề tài lại càng khó gấp bội. Do đó nhiều sinh viên vì không lường được mức độ quan trọng của việc thể hiện ý tưởng, đã vô tình chọn những đề tài “khó nhằn” để rồi sau đó bỏ cuộc nửa chừng, phải chuyển qua một đề tài mới khi đã tốn quá nhiều thời gian và công sức cho đề tài cũ.

 
Là một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, bạn cần rút ra những bài học gì từ những khó khăn mà các bạn sinh viên thường vấp phải khi bước vào giai đoạn thử thách cuối cùng trước khi ra trường này? Một số gợi ý dưới đây hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

Lý do chọn đề tài?

Nếu câu trả lời đơn giản chỉ vì bạn “thích” không thì chưa đủ. Bạn phải trả lời được câu hỏi: Bạn đã hiểu gì về đề tài này chưa? Ai cũng thích làm cái gì đó phục vụ cho lý tưởng của mình, nhưng các bạn lại quên rằng có những ý tưởng mãi mãi chỉ là ý tưởng không thực hiện được bởi những yếu tố khách quan bên ngoài. Tuy nhiên, nếu đó là một đề tài tâm huyết của bạn thì bạn không cần phải thay đổi, sự tâm huyết sẽ thôi thúc bạn tìm hiểu thật kỹ về đề tài được chọn, nó cũng là một động lực giúp bạn vượt qua mọi trở ngại tư tưởng trong quá trình làm bài. Hay nói cách khác, khi bạn thích một đề tài nào, hãy coi đó là tâm huyết của mình và đừng liên tục thay đổi khi chưa thật sự hết hy vọng.

 
Tìm hiểu ở mức nghiên cứu đề tài

Tìm hiểu một đề tài tốt nghiệp cần phải được gọi đúng nghĩa là nghiên cứu. Khi bạn muốn chọn đề tài nào, bạn phải có một quá trình nghiên cứu tỉ mỉ…ví dụ bạn muốn làm hệ thống nhận diện thương hiệu cho Gốm Bát Tràng thì trước tiên bạn phải nghiên cứu: Gốm Bát Tràng là gì? Tại sao có tên đó? Lịch sử hình thành? Đặc điểm của gốm Bát Tràng?...v…v…chứ không phải đơn thuần là ngồi miên man suy nghĩ phải làm poster cho gốm Bát Tràng thế nào cho hấp dẫn đây??? Từ những cái bạn nghiên cứu sẽ cho ra những idea cụ thể, phù hợp mà hoàn toàn logic… Quá trình nghiên cứu phải được diễn ra trước ngay khi bạn vừa chọn được đề tài mà bạn cho là phù hợp.

Rất nhiều bạn trẻ muốn thể hiện cái tôi, cái triết lý, cái gọi là hoài bão trong mình nên đã tìm đến những đề tài mang tầm vóc lớn lao, nhưng lại không thực sự hiểu hết về nó… Giả sử như bạn muốn làm về Văn Hóa Chăm, thì việc đầu tiên là đòi hỏi bạn phải có một kiến thức sâu và đủ rộng để hiểu đề tài này. Sau đó, khi đã hiểu cặn kẽ về nó, bạn có thể dựa vào sự hiểu biết để đưa ra những ý tưởng sáng tạo mà không ai bác bỏ được.

Hiểu rõ về những gì mình sẽ làm sẽ giúp bạn tự tin đi đúng hướng, giúp bạn có được những biện chứng sắc bén để bảo vệ ý tưởng của mình.

 
Đề tài này dễ kiếm tư liệu không?

Một trong những khó khăn mà sinh viên hay mắc phải là sau khi chọn đề tài rồi, bạn lại có rất ít tư liệu về nó. Tư liệu ở đây chính là những hình ảnh phục vụ cho việc thể hiện hay những thông tin cần thiết cho việc tìm ra ý tưởng. Tư liệu là thứ quan trọng để quyết định bạn có đủ lực, đủ cơ sở vật chất để theo tiếp hay không?

Trong trường hợp bạn quá yêu thích đề tài nhưng lại khó kiếm tư liệu trên internet, hãy cố gắng chịu khó thu thập thêm thông tin từ những nguồn khác như thư viện tổng hợp, những người lớn tuổi, những chuyên gia…

 
Lối mòn lựa chọn

Đại đa số các sinh viên bị rơi vào lối mòn khi lựa chọn đề tài, những đề tài thông dụng được các sinh viên hay sử dụng trong các kỳ tốt nghiệp như: công ty Du lịch, công ty thiết kế Quảng cáo, công ty mỹ phẩm, công ty nước giải khát, công ty phân phối trái cây…

Đôi khi các bạn chọn chỉ vì nghĩ rằng nó dễ làm. Lời khuyên đặt ra là càng nhiều đề tài trùng nhau, sẽ khiến các bạn càng bị so sánh nhiều hơn. Hãy cố gắng lựa chọn một đề tài thật sự đặc biệt, sáng tạo và khắc hẳn so với lối mòn. Điều này không những giúp bạn gây ấn tượng mà còn góp phần giúp bạn bớt đi những đối thủ cạnh tranh.

Thể hiện không tới

 

 Đây là một thiết kế tốt, thể hiện ý tưởng một cách sáng tạo, bố cục rõ ràng, mạch lạc.

Đó luôn là nỗi khổ tâm của các bạn sinh viên khi làm bài tốt nghiệp. Đề tài cực hot, ý tưởng cực hay nhưng lại không tìm ra được những phương thức thể hiện sao cho hiệu quả. Sự thể hiện thật ra phải được lên kế hoạch ngay từ đầu, chẳng hạn bạn dự định với đặc điểm của đề tài này, bạn sẽ thể hiện theo hướng nào, dùng hình chụp màu hay trắng đen, dùng hình chụp hay hình vẽ, vẽ tay hay vẽ trên máy, vector hay phối cảnh 3D… và dĩ nhiên bạn nên định hướng sẵn những câu trả lời, những biện chứng cho việc tại sao bạn lại chọn cách thể hiện đó mà không chọn cách kia. Lên kế hoạch tỉ mỉ ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiết kệm được một khoảng thời gian suy nghĩ khá lớn. Ý tưởng hay phương thức thể hiện đều quan trọng như nhau. Nếu ý tưởng ban đầu tốt mà bạn lại không truyền đạt được nó thông qua cách thể hiện thì cuối cùng, sản phẩm cũng không mang lại hiệu quả và trở thành vô nghĩa.

Để có một bài tốt nghiệp được đánh giá tốt thực sự không quá khó nếu bạn có sự đầu tư về mọi mặt ngay từ đầu. Điều quan trọng là phải giữ một tinh thần phấn chấn, kiên định, quyết tâm đạt được mục tiêu, tuy nhiên cũng không ngại thay đổi đề tài nếu cảm thấy tư duy đang bị rơi vào lối mòn của sự chọn lựa.

Tất cả hình ảnh sử dụng trong bài viết này là bài tốt nghiệp của sinh viên Phạm Thái (GDK5)

 

Bích Loan