Cách chọn bố cục trong ảnh phong cảnh

Trong nhiếp ảnh, sự tình cờ hay may mắn để có bức ảnh đẹp có thể sẽ không bao giờ xảy ra cho dù bạn cố công tìm kiếm. Người ta gọi đó là khoảnh khắc, khoảnh khắc của sự vô tình, không tính toán. Nhưng nếu bạn luôn trông chờ vào những khoảnh khắc như thế thì sẽ rất khó để tìm ra những bức ảnh đẹp theo đúng nghĩa. Tức là để có một bức ảnh đẹp, bạn phải biết tính toán và có sự sắp xếp bố cục.

 Bố cục ảnh phong cảnh
Khi có một máy ảnh, điều đầu tiên bạn chụp là chân dung: chân dung người thân, bạn bè hoặc của chính bạn, đó là dạng chân dung lưu niệm, không cần bố cục, bạn cứ việc đưa lên là bấm, nhưng khi bạn chuyển qua chụp cảnh vật thì lúc này có một vấn đề xảy ra, là bạn không biết bố cục thế nào cho đẹp. Sao mình đứng cùng góc độ với người kia nhưng họ lại chụp đẹp hơn… Phong cảnh thiên nhiên rất bao la, rộng lớn nên bạn bị choáng ngợp, không biết bắt đầu từ đâu.

Đầu tiên bạn đừng chụp vội mà hãy tập quan sát, coi phong cảnh ở đấy có gì nổi bật. Tiếp theo, chọn hướng sáng cho hợp lý (thường chụp phong cảnh người ta chọn ánh sáng xiên vì nó làm nổi khối và dễ chụp với những người không chuyên). Sau đó, mới chọn góc độ chụp và điểm đặt máy. Trước khi bấm máy hãy nhớ những điều sau đây:

1. Không đặt chủ đề vào giữa tâm bức ảnh
2. Mọi bức ảnh chỉ có một và một điểm mạnh duy nhất
3. Hướng ánh mắt người xem đi từ ngoài vào trong bức ảnh
4. Đường cong chữ S là thủ pháp bố cục được ưa chuộng nhất
5. Đường chân trời không cắt ngang chính giữa mà phải nằm ở 1\3 trên hoặc 1\3 dưới.

 Bố cục ảnh phong cảnh 2

 Bức ảnh này hội đủ yếu tố về bố cục, điểm mạnh và đường chân trời.

Đường mạnh và điểm mạnh cũng là một yếu tố dẫn đến thành công cho bức ảnh. Điểm mạnh là khi chụp phong cảnh nhưng có thêm một điểm nhấn nào đó, thì bạn hãy đưa nó vào điểm mạnh, nhưng tuyệt đối không để điểm nhấn đó vào giữa tâm bức ảnh. Đối với đường mạnh thì khi chụp phong cảnh bạn tuyệt đối không đưa đường chân trời vào giữa bức ảnh. Bạn tuân thủ những điều trên thì dù bạn chụp bằng máy du lịch bạn vẫn có những bức ảnh đẹp để bổ sung cho bộ sưu tập ảnh của mình.

Chụp phong cảnh trong công viên.

Trong ảnh phong cảnh cái khó là chọn đối tượng có ý đồ và nội dung để làm tăng phần hấp dẫn, các bạn hãy tập quan sát, coi thử ý chính, trọng tâm mà mình muốn nói, muốn đưa vào bức ảnh. Bên cạnh đó, phong cảnh trong công viên không giống như ngoài tự nhiên vì đã có bàn tay của con người. Thấy chỗ nào cũng đẹp, song không biết chụp góc nào. Lúc đó bạn hãy coi cảnh vật nơi đó có gì chính, ví dụ một ngôi nhà, một cái cây lá vàng,…

 Bố cục ảnh phong cảnh 3

 Bức ảnh này thể hiện được chủ đề chính: Mùa thu sắp đến!

Những người mới bắt đầu cầm máy thường chụp những phong cảnh theo cảm tính, không theo nguyên tắc tỉ lệ. Bạn cố gắng hiểu và nắm bắt những yếu tố
đôi khi không ai để ý, nhưng sẽ tạo hiệu quả bất ngờ. Lúc đó bức ảnh của bạn sẽ sâu hơn, có nội dung, có ý đồ và đôi khi bạn có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Muốn có một bức ảnh đẹp, bạn phải thật kiên nhẫn và có lòng đam mê nghệ thuật.

“Săn” ảnh trong công viên thật nhàm chán vì nó quá quen thuộc, ngày nào cũng đi ngang đó, đôi khi còn ở trong đó hàng giờ. Nhưng bạn biết chọn góc độ chụp, một góc máy có bố cục độc đáo thì bức ảnh cũng có thể làm cho người xem ngỡ ngàng không hiểu bạn chụp ở đâu.

Chụp phong cảnh chùa

Nói đến chùa, chúng ta liên tưởng đến chốn linh thiêng, mọi sự ồn ào náo nhiệt không hiện diện ở đó. Cái khó khi chụp phong cảnh chùa là làm sao thấy được sự uy nghiêm bề thế của nó. Nhưng khi chụp chúng ta thường hay bối rối bởi chùa thường có những góc độ cố định, mặt tiền và bên trong nội thất, nếu chụp bên trong và ngoài như thế sẽ không đẹp.

 Bố cục ảnh phong cảnh 4
Bạn nên khai thác góc độ lạ, tập trung vào các họa tiết và đường nét. Những họa tiết này đánh dấu thời gian và sự trường tồn vĩnh cửu, liên quan giữa trời và đất. Đó là một yếu tố. Bạn tạo cho nó một dáng vẻ riêng, mỗi một góc độ đều có sự đầu tư và điểm nhấn.
Trong khi chụp nhiều lúc cao hứng bạn không để ý về bố cục, về nhà chúng ta sẽ cắt cúp lại cho vừa ý mình và đôi khi bạn cũng có thể photoshop để tạo ra hình ảnh bất ngờ.

Một yếu tố cơ bản nữa trong chụp ảnh phong cảnh đó là sự rung động của tâm hồn. Sau những giờ làm việc căng thẳng bạn thư giãn bằng cách đi du lịch đây đó và nhớ trong hành trang của mình đừng quên máy ảnh nhé.

Tóm lại, để có bức ảnh đẹp, ngoài yếu tố bất ngờ, bạn phải có một chút kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh. Kỹ năng sử dụng máy (cho dù là máy du lịch). Có óc quan sát nắm bắt vấn đề một cách nhạy bén cùng lòng đam mê vô bờ bến cho môn nghệ thuật này.

Và sau cùng, trước khi bấm máy bạn hãy: 
                         

“ …NHEO MẮT, NÍN THỞ, BÓP CÒ…”

(Một số hình ảnh trong bài viết này do các sinh viên của Trung Tâm Polygon chụp trong những buổi thực hành môn nhiếp ảnh).

Tôn Thất Hải