Hôm nay, Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024
Thứ Năm, 14/03/2019 - 14:47:25
(448 lượt xem)
Thiết Kế Trải Nghiệm Hằng Ngày Cho Chính Bạn, Tại Sao Không?

Khi thiết kế tất cả mọi thứ xung quanh trở thành bản năng thứ hai của bạn.

Hôm nọ, tôi cùng một đồng nghiệp bàn về cách sắp xếp các ứng dụng trên màn hình chính điện thoại. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để mô tả cho nhau nghe các quy tắc ngầm về cách ưu tiên các biểu tượng trên màn hình chính, cách chọn các ứng dụng nằm rìa, nằm giữa và nằm cố định dưới cùng màn hình.

Đây là cách của tôi:

  • Tôi cố gắng giới hạn số lượng biểu tượng được hiển thị trên màn hình chính với những biểu tượng tôi sử dụng hàng ngày. Quy tắc rất đơn giản: nếu có một ứng dụng đã hơn ba ngày chưa được dùng đến, tôi sẽ chuyển sang một trang khác. Càng có ít thông tin để xem xét sẽ giúp giảm tải nhận thức 100% số lần mở khóa điện thoại.
  • Tôi đã xóa tất cả các dấu hiệu màu đỏ khỏi các ứng dụng màn hình chính (trừ Slack và email công việc) để giảm bớt lo lắng và cảm giác cần phải khẩn thiết nhấp vào vì tôi thực sự không thấy vậy. Tôi nhận thấy việc sử dụng điện thoại của tôi đã giảm đáng kể kể từ khi tôi thay đổi điều này.
  • Vì tôi nhận ra rằng tôi thường cầm điện thoại bằng tay phải, tôi đã di chuyển các biểu tượng cần truy cập nhanh vào bên phải màn hình để có thể dễ dàng truy cập bằng ngón tay cái. Tôi không cần thiết phải mở Twitter, Linkedin hoặc Instagram khi đi bộ ra ngoài, một tay cầm điện thoại và cố gắng băng qua một con phố đông đúc.

Quy tắc này còn dài lắm. Tôi còn đặt ra quy luật sắp xếp trên màn hình thứ hai nữa.

Tôi có thể viết cả một cuốn sách về những điều nhỏ nhặt tôi làm để tối ưu hóa trải nghiệm hàng ngày của mình - không chỉ với điện thoại, mà với máy tính xách tay, với tủ quần áo, bàn làm việc, bộ sạc điện, tủ lạnh, ba lô. Nhưng thành thật mà nói, đó sẽ là một cuốn sách vô cùng nhàm chán.

Trạng thái hiện tại của màn hình macbook của tôi -
tại sao phải giữ tất cả các biểu tượng ứng dụng 
mà bạn sẽ không bao giờ dùng đến?

Các quy tắc cụ thể không phải là vấn đề (Tôi không cố gắng thuyết phục bạn quy tắc của tôi là đúng, hoặc chúng sẽ phù hợp với bạn và tôi thực sự hy vọng bạn không đồng ý với một số các quy tắc này). Vấn đề là hãy dành thời gian để suy nghĩ về những quy tắc đó là gì và chúng sẽ tác động đến cuộc sống hằng ngày của bạn như thế nào?

Tại sao chúng ta không làm điều tương tự với các khía cạnh khác trong cuộc sống của ta?

Có phải chính xác đó là thiết kế không?

. . .

Hãy hiểu cách bạn sử dụng trong thực tế

  • Bạn có bao nhiêu lần trong suốt một ngày cần bút và giấy để phác thảo một cái gì đó trong khi đang ngồi ở bàn làm việc?
  • Những chiếc áo bạn thường chọn cho ngày thường (khi bạn đang vội) khác gì so với cuối tuần (khi bạn có nhiều thời gian hơn, và cảm thấy muốn phóng túng hơn một chút)?
  • Ba món đồ vật bạn cần mang theo mỗi khi rời khỏi nhà là gì?
  • Nước hoa bạn dùng hàng ngày là gì, khác gì so với nước hoa bạn dùng trong những dịp đặc biệt?

Tôi nhận ra rằng rất ít nhà thiết kế mà tôi biết thực sự dành thời gian để suy nghĩ về hành trình người dùng của chính họ trong suốt cả ngày.

Vào một ngày bình thường, có bao nhiêu lựa chọn trang phục thật sự cần thiết với bạn?

Chúng ta sử dụng cùng một suy nghĩ logic khi thiết kế ứng dụng, khi quyết định cái gì nên có hoặc không trên trang chủ, khi thảo luận về các ưu tiên sản phẩm với đồng nghiệp, khi bảo vệ quyết định thiết kế với khách hàng.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta quên áp dụng những nguyên tắc tương tự cho cuộc sống của mình.

Thiết kế cuộc sống của bạn bắt đầu với việc thiết kế môi trường xung quanh bạn. Điều này có ý nghĩa logic: với hiệu quả bạn đạt được bằng cách thiết kế trải nghiệm cho riêng mình, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để thiết kế trải nghiệm cho người khác.

. . .

Tự tạo KPI cho cá nhân

Thiết kế chính là đưa ra quyết định các thứ tự ưu tiên.

Thứ tự ưu tiên nào quan trọng với bạn?

  • Ít thời gian hơn: Các nhiệm vụ nào lặp lại mỗi ngày có thể được tối ưu hóa hoặc tự động hóa để tiết kiệm thời gian? Từ việc sử dụng Buffer để lên lịch các bài đăng trên mạng xã hội của tôi, đến thiết lập nếu điều này hơn công thức nấu ăn đó sẽ giúp tôi quản lý Tập thể UX; Tôi liên tục chú ý đến các nhiệm vụ tốn thời gian được lặp đi lặp lại ở một tần số nhất định và tìm cách tự động hóa chúng hoặc loại bỏ chúng hoàn toàn.
  • Ít quên: Làm thế nào bạn có thể giảm số lần bạn đãng trí? Đặt lời nhắc hàng tháng để thanh toán hóa đơn, lời nhắc sinh nhật hàng năm cho những người bạn yêu thương hoặc thậm chí nhắc nhở hàng ngày cho các nhiệm vụ bình thường hơn; nó chỉ mất một phút và có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thất vọng và năng lượng sau này.
  • Ít ra quyết định: Làm thế nào bạn có thể giảm số lượng quyết định bạn phải đưa ra trong suốt cả ngày? Là một nhà thiết kế, bạn đang đưa ra hàng trăm quyết định trong công việc, vì vậy bạn có thể muốn giảm bớt sự mệt mỏi khi quyết định các việc khác trong ngày. Hãy đảm bảo xác định các ưu tiên cá nhân của bạn: một số người (như tôi) thích mặc cùng màu mỗi ngày để tránh ra quyết định vào buổi sáng, nhưng không muốn từ bỏ việc chọn một nhà hàng khác vào mỗi tối hoặc ngược lại.
  • Tải trọng nhận thức ít hơn: Làm thế nào bạn có thể giải phóng bộ não của bạn khỏi việc xử lý lượng thông tin quá mức mọi lúc? Hãy nhìn thế giới xung quanh bạn bằng con mắt của một nhà thiết kế. Có quá nhiều hình ảnh trên tường phòng khách? Quá nhiều đồ vật ở trên bàn? Quá nhiều ứng dụng trên màn hình chính điện thoại? Hãy nhìn kỹ mọi môi trường mà bạn tương tác trong suốt cả ngày và tự hỏi mình: tôi có thể loại bỏ điều gì từ đây để mở thêm không gian cho mắt và não?
Mặc trang phục giống nhau mỗi ngày giúp giảm số lượng quyết định bạn phải thực hiện

. . .

Sở hữu trải nghiệm hàng ngày

Quan tâm đến trải nghiệm hàng ngày của chính bạn cho thấy rằng bạn quan tâm đến bản thân và những người xung quanh. Là nhà thiết kế, chúng ta dành quá nhiều năng lượng để suy nghĩ về trải nghiệm người dùng đến nỗi chúng ta quên rằng bản thân mình cũng là con người, cũng xứng đáng có những trải nghiệm tốt hơn. Vì thế, đã đến lúc chúng ta chuyển từ những lựa chọn mặc định sang những lựa chọn có chủ ý hơn, ở mọi khía cạnh và mọi cấp độ của cuộc sống của chúng ta.

Người dịch: Long Hwarang
Nguồn: uxdesign.cc

POLYART - TRAINING ART DESIGN

Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.