Hôm nay, Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024
Thứ Hai, 12/11/2012 - 11:08:24
(8044 lượt xem)
Ngôn ngữ nhiếp ảnh (phần 1)
Giống như bất kỳ một ngành nghề khác hoặc một công việc mang tính kỹ thuật nào đó, nhiếp ảnh là một nghệ thuật và là một ngành khoa học có một số thuật ngữ kỹ thuật rất khác biệt, là cái tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình truyền thông các ý tưởng và nhận thức được dễ dàng hơn. Nếu không có chúng thì ta sẽ gần như không thể giao tiếp và hiểu được vấn đề trong một nỗ lực tột bậc nhằm xử lý công việc một cách thích đáng bằng những cố gắng của chúng ta.
Như một hình thức biểu hiện thị giác, nhiếp ảnh quả thật rất độc đáo và ta không thể đem so sánh nó với bất kỳ một chi nhánh nào khác của nghệ thuật biểu hiện thị giác.

Sở dĩ nó độc đáo là do bởi những điều sau:
Tính xác thực: Các bức vẽ và các bức tranh là chủ thể đến sự tưởng tượng và do vậy không chính xác và cũng không thật đầy đủ. Thế nhưng một bức ảnh lại là một “nhân chứng sống” và do đó hoàn toàn thuyết phục. Ngay cả khi nhiếp ảnh gia đã chứng tỏ mình rất chủ quan thế nhưng vẫn có dấu ấn của tính xác thực trong tác phẩm của anh ta. Màn trình diễn trong một bức ảnh là hết sức xác thực và đúng với sự thật.
Tốc độ ghi hình: Các bức ảnh được thực hiện với tốc độ, theo nghĩa đen, bằng phân số của giây. Các hình ảnh được ghi chép một cách chính xác trong thời gian hầu như bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi sự kiện đang diễn ra một cách nhanh chóng, một máy ảnh trung thực có thể ghi lại các chi tiết với độ chính xác 100%.
Độ chính xác trong màn trình diễn: Các bức ảnh ghi lại thực tế như chúng vốn có trong từng chi tiết đầy đủ và không có chỗ cho bất kỳ sự thiên vị hay định kiến nào. Một họa sĩ sẽ ghi lại một đối tượng hay một sự kiện nào đó theo cái cách mà anh ta/cô ta muốn, trong khi một người quay phim chụp ảnh chỉ có thể ghi lại, bằng  sự trợ giúp cơ khí, chính xác những gì ở đằng trước ống kính.
Ánh sáng
Đối với một nhiếp ảnh gia thì phương tiện truyền thông chính là ánh sáng, cũng giống như đối với nhà văn là ngôn từ. Việc ánh sáng đủ hoặc không đủ sáng thôi vẫn chưa phải là toàn bộ vận đề. Ánh sáng còn có những đặc tính khác, là cái tạo ra những hiệu ứng đặc biệt. Ta chỉ có thể đạt được những hiệu ứng đặc biệt này nếu nhiếp ảnh gia có thể kiểm soát được ánh sáng. Ánh sáng có đặc tính mấu chốt đó là độ sáng. Nó quyết định độ phơi sáng cần thiết và cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của một bức ảnh. Một ánh sáng chói thì gay gắt và sắc nét trong khi ánh sáng dịu thì đầy bí ẩn. Ở trường hợp trước các đối tượng xuất hiện tươi sáng hơn và tương phản hơn trong khi ở trường hợp sau chúng trông có vẻ ít bão hòa hơn và nặng nề hơn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc việc nhiếp ảnh gia lựa chọn ánh sáng sao cho phù hợp với chủ đề.
Màu của ánh sáng là một yếu tố khác xác định việc chọn sáng. Ta chỉ có thể đạt được màu sắc tự nhiên nếu ta sử dụng một loại phim phù hợp (được thiết kế để xử lý riêng cho loại ánh sáng đó). Nếu phim được chỉ định sử dụng với ánh sáng vonfram mà ta lại sử dụng trong ánh sáng ban ngày thì kết quả thu được sẽ bị sai lệch màu sắc khá lớn với màu tạp là một màu xanh đậm. Màu phải được đo bằng nhiệt độ màu (sắc ôn - color temperature), đơn vị là độ Kelvin (viết tắt là K). Ví dụ, ánh sáng ban ngày có nhiệt độ 5500 K là thứ ánh sáng thích hợp cho loại phim cân bằng ánh sáng ngày (daylight balanced film). Người ta sử dụng một đồng hồ đo độ phơi sáng sắc ôn (color-temperature exposure meter) để đo nhiệt độ của bất kỳ loại ánh sáng nào và các bộ lọc cân bằng màu sắc phù hợp sẽ được sử dụng để tăng hoặc giảm nhiệt độ màu từ đó cho ra những kết quả thật hoàn hảo.
Thật sự hữu ích khi đề cập ở đây rằng nhiệt độ màu không phải là bất biến trong ngày. Nhiệt độ màu thấp hơn vào buổi sáng, tăng lên đến giá trị tối đa của nó vào buổi trưa và một lần nữa bắt đầu giảm xuống vào buổi chiều.
Bên cạnh việc làm cho ta có thể nhìn thấy các đối tượng, ánh sáng cũng cho phép thiết lập một mối quan hệ giữa khối và chiều sâu. Nó tạo nên tâm trạng của một bức ảnh và cũng có thể tạo ra các mẫu thiết kế màu hoặc trắng đen. Để tạo ra một cảm giác ba chiều, một nhiếp ảnh gia sẽ chơi đùa với ánh sáng và bóng tối để tạo ra một ảo giác về chiều sâu. Trong ánh sáng yếu, bóng tối khuếch tán, đối tượng xuất hiện phẳng lì. Trong các bức vẽ và tranh bóng tối được tạo ra bằng cách che chắn. Trong nhiếp ảnh điều này được thực hiện bằng cách đưa ra ánh sáng từ một bên và tạo ra các vùng bóng tối để phối hợp với ánh sáng. Nhiếp ảnh gia có thể sử dụng một bóng đèn phía trước, đèn cạnh bên, đèn hắt từ trên xuống, đèn đánh từ dưới lên và đèn màu đen. Tất cả những thứ này tạo ra các vùng bóng tối khác nhau để đáp ứng những mục đích riêng biệt.
Tâm trạng và bầu không khí chủ yếu được tạo ra do bởi ánh sáng. Một tâm trạng bí ẩn cần những mảng tối thật rộng lớn. Sự rọi sáng có một ảnh hưởng nhất định lên “cảm xúc” của một bức ảnh. Ánh sáng có sẵn hỗ trợ ta trong việc tả “chất tự nhiên” của một bối cảnh. Một tuyên ngôn xúc cảm có thể được thực hiện bằng các bức ảnh đầy tâm trạng. Sương mù dày đặc trong một bức ảnh chụp cảnh núi sẽ tạo ra một cảm giác tự nhiên là ta đang hiện hữu ở nơi đó trong làn sương mù mờ ảo. Trí tưởng tượng của người quan sát được hòa trộn với việc sử dụng đúng loại ánh sáng cần có.
Màu sắc là một sản phẩm của ánh sáng. Thiếu vắng ánh sáng, trong bóng tối, thậm chí ngay cả những đối tượng lắm màu sắc nhất cũng sẽ xuất hiện đen ngòm. Chúng sẽ mất màu. Điều này hoàn toàn đúng. Nói vậy không có nghĩa là màu sắc không tồn tại. Nó tồn tại, nhưng ta không thể nhìn thấy vì thiếu ánh sáng. Nói một cách khác, trong bóng tối màu sắc không còn tồn tại nữa.
Từ tuyên bố trên, rõ ràng là màu sắc của một đối tượng phụ thuộc vào lượng ánh sáng. Để thể hiện một bối cảnh theo một cách cụ thể mà ta mong muốn, chất lượng của ánh sáng phải được nghiên cứu đúng cách. Bằng cách lựa chọn màu sắc, một nhiếp ảnh gia chụp ảnh màu có thể thổi vào hình ảnh một ý nghĩa cụ thể hay một tâm trạng nào đó.
Những màu sắc mạnh mẽ và độ bão hòa cao có thể tạo ra một ấn tượng xông xáo, nhấn mạnh sức mạnh của đối tượng. Những màu nhạt được sử dụng cho các đối tượng phức tạp và tinh tế để gợi nên một tâm trạng nhẹ nhàng hơn. Màu nhạt được liên hệ với tâm trạng vui vẻ và hớn hở trong khi các màu tối là chỉ dấu của những tình huống ảm đạm. Màu đỏ gợi nên tâm trạng xông xáo và náo nhiệt và do vậy nó được sử dụng rộng rãi cho các mẩu quảng cáo, áo jacket, sách và các tờ áp phích. Màu xanh, ở phía đối nghịch lại, thụ động hơn, biểu hiện tâm trạng yên tĩnh và mát mẻ.
Các nhiếp ảnh gia giàu kinh nghiệm biết rằng màu sắc trung thực không nhất thiết cứ phải là màu thật đẹp, sự thể hiện màu chỉ có thể có hiệu quả khi các màu sắc xuất hiện một cách tự nhiên. Và chỉ như thế chúng mới có thể thật chính xác và trở nên hiệu quả hơn.
Hướng ánh sáng
Hướng ánh sáng có ảnh hưởng sâu sắc đến cách thức các đối tượng được chụp.
Ánh sáng đánh trực diện (Frontal lighting) rất tốt cho việc tăng cường màu sắc.
Ánh sáng bên (Side lighting) là ánh sáng tốt nhất để bộc lộ hình và đem lại một sự nhận rõ tính chất 3 chiều của đối tượng.
Ánh sáng nền (Back lighting) có tác dụng làm giảm hình của một đối tượng thành một bóng âm ảnh (silhouette). Tuy nhiên nó lại tạo ra một ánh sáng lờ mờ phía trong các đối tượng mờ đục nhưng xuyên sáng.
Chất lượng ánh sáng
Ánh sáng ban ngày có thể dịu mà cũng có thể gắt, điều này tùy thuộc vào thời tiết và thời gian trong ngày. Khi ánh sáng mặt trời chói lọi, nó giúp ta tăng cường màu sắc thế nhưng những vùng tối sẽ rất đậm.
Khi bầu trời hơi u ám một chút, ánh sáng bị khuếch tán, điều này khiến cho màu sắc bị câm đi một chút, nhưng sẽ hiện rõ các chi tiết trong những vùng tối.
Chụp ảnh dưới ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng tự nhiên luôn thay đổi hướng, màu sắc và chất lượng. Phong cảnh mà chúng ta nhìn thấy vào buổi sáng sớm sẽ mang một dáng vẻ mới vào giữa buổi sáng, buổi chiều và lúc hoàng hôn buông xuống. Bạn có thể tận dụng tốt ánh sáng tự nhiên bằng cách chọn đúng thời điểm trong ngày, và thường là bằng cách thay đổi điểm nhìn của mình với sự lưu tâm đến hướng ánh sáng.
Thời gian trong ngày
Tại thời điểm trước bình minh (từ 4 giờ đến 5 giờ), ánh sáng có thể mang một sắc xanh dương nhẹ, tương tự như thời điểm buổi chiều tối hoặc lúc hoàng hôn. Khi mặt trời mọc (từ 5 giờ đến 6 giờ) ánh sáng mặt trời cho ta một sắc cam.
Vào khoảng giữa buổi sáng (8 giờ đến 10 giờ) khi mặt trời sáng chói nhưng vẫn ở vị trí thấp trên bầu trời, ánh sáng đem lại cho ta màu sắc mạnh mẽ và các chi tiết thì thật rõ ràng.
Vào buổi trưa (chính ngọ), ánh sáng mặt trời gay gắt và mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu của đối tượng. Ánh sáng này gây ra những vùng tối sâu thẳm và đây là thứ ánh sáng không được coi là đạt yêu cầu trong nhiếp ảnh.
Vào buổi chiều (từ 15 giờ đến 17 giờ), mặt trời một lần nữa ở một góc độ nào đó và ánh sáng bắt đầu dịu đi.
Chập tối, mặt trời bắt đầu lặn, nó bao phủ bối cảnh bằng một thứ ánh sáng vàng kim.
Khoảng thời gian giữa buổi sáng và đầu buổi chiều tối được gọi là “quãng thời gian vàng” trong nhiếp ảnh.

(còn tiếp...)

Phạm Xuân Bách dịch từ bài viết Language of Photography của tác giả Narendra Motwani đăng trên trang www.instantshift.com



Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.