Hôm nay, Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024
Thứ Sáu, 02/11/2018 - 10:01:00
(618 lượt xem)
5 Bước Để Bắt Đầu Viết Sách Thiếu Nhi Cùng Tác Giả Alan Durant

Câu chuyện chỉ kể cho một đứa trẻ có giá trị của riêng nó. Nhưng nếu muốn đi xa, tác phẩm cần phải có sự cộng hưởng lớn hơn nữa. Lí do gì để một đứa trẻ xa lạ muốn lắng nghe câu chuyện bạn kể?

Tác giả Alan Durant của quyển sách thiếu nhi Daddy, I Can’t Sleep đã chia sẻ với NXB Penguin về cách mà anh tạo ra các tác phẩm dành cho trẻ em của mình.

“Tôi đã viết rất nhiều câu chuyện cho em nhỏ ở mọi độ tuổi - từ sách thiếu nhi đến tiểu thuyết cho thanh thiếu niên. Bạn có thể cho rằng loại sách này hẳn là dễ hơn bởi vì chúng thường ngắn. Nhưng bạn lầm rồi! Một quyển sách tranh tốt, bạn sẽ nhận ra chúng khi đọc và chia sẻ nó với một đứa trẻ, trông quá ư đơn giản nhưng tiêu tốn vài năm cùng nhiều bản phác thảo để hoàn thành. Viết một quyển sách thiếu nhi rất nhọc công nhưng xứng đáng.”

Thế thì làm cách nào để bạn triển khai chúng?

Đây là năm bước bạn cần cân nhắc:

1. Lắng nghe, quan sát, nguệch ngoạc

Điều đầu tiên khi viết một câu chuyện là phải có ý tưởng. Nếu bạn có trẻ nhỏ (hoặc cháu nhỏ), hãy giữ một quyển sổ tay bên mình và viết ra những gì chúng hay nói/ làm/ hứng thú. Các ý tưởng thường bước ra theo cách đó. Hoặc là thứ bạn hồi tưởng từ tuổi thơ của riêng mình. Từ đó, bạn sẽ phát hiện mình cần phải loại bỏ nhiều concept khác nhau cho đến lúc tới được đúng một cú chốt cuối.

2. Mục đích ở đây là gì?

Câu chuyện chỉ kể cho một đứa trẻ có giá trị của riêng nó. Nhưng nếu muốn đi xa, tác phẩm cần phải có sự cộng hưởng lớn hơn nữa. Lí do gì để một đứa trẻ xa lạ muốn lắng nghe câu chuyện bạn kể? Chủ đề không cần phải quá độc đáo - nó có thể đến từ những điều lặp lại nhiều lần (một món đồ chơi yêu thích, nỗi sợ bóng đêm, tình cảm giữa cha mẹ và con cái, các trải nghiệm thông thường của tuổi thơ) - nhưng cách bạn giải quyết vấn đề thì cần sự đặc biệt. Hãy để câu chuyện đó đặc biệt theo cách riêng bạn.

3. Con người, loài vật hay sự sống ngoài hành tinh?

Bạn đã có ý tưởng và chủ đề, giờ thì bạn cần là một (hoặc hai) nhân vật. Độc giả nhí của bạn cần phải xác định danh tính nào đây? Bạn có thể chọn giữa một cô bé hoặc cậu bé (nhưng đừng là người lớn nhé!) - hoặc thay vào đó là một loài vật: gấu, mèo hay khỉ chả hạn. Các hình tượng loài vật nên sử dụng theo thuyết hình người (hành động như một đứa trẻ sẽ làm). Dù vậy, bạn thi thoảng cũng có thể chọn vài đặc tính tự nhiên mà động vật có, như tắc kè hay đổi màu, chồn hôi có mùi khó chịu.

Hãy cân nhắc về tính phổ quát. Thường thì trong sách thiếu nhi, một chú voi chỉ là một loài động vật, chúng tôi không nghĩ đến gốc gác của chúng từ đâu. Nhân vật là yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện, vậy nên ta cần phải đi đúng hướng. Chúng cần phải “cuốn hút”, ngay cả trong lúc cư xử thật tồi tệ! 

4. Giữ mọi thứ đơn giản, hãy khiến câu từ nhảy múa!

Sách thiếu nhi dành cho trẻ nhỏ, vậy nên hãy giữ câu cú gãy gọn và dễ theo dõi. Không có gì là sai trái nếu bạn quẳng vào đấy một từ lạ lùng và kì quặc, nhưng quá nhiều sẽ khiến bạn thất bại trong việc chinh phục độc giả của mình. Cỡ chữ phải to và tranh thì cần không gian để bạn không có số từ giới hạn (thường tối đa 600-700 từ nhưng vẫn tốt nếu ít hơn).

Như một bài thơ, sách thiếu nhi được viết để đọc thành tiếng, vậy nên hãy khiến ngôn ngữ như một bài ca. Chỉ gieo vần điệu nếu bạn tin rằng điều đó là cần thiết và mỗi từ đều khiến câu chuyện ngân vang. Điều quan trọng hơn cả là nhịp điệu và sự lặp lại - cách mà câu chuyện tạo nên âm thanh. Hãy nhớ rằng bạn đang viết cho độc giả lớn hơn một chút (bố mẹ hoặc anh chị) và người nghe là một đứa trẻ. Nó không dễ dàng, nhưng bạn cần phải gây hứng thú cho cả hai phía. Hãy giữ sự hài hước - mỉa mai sẽ chỉ lãng phí thời gian.

5. Đừng quên những bức tranh

Sách thiếu nhi thường là sự hợp tác giữa một tác giả và người vẽ minh họa (trừ khi bạn là số ít người có kĩ năng để làm cả hai). Vậy nên, hãy nghĩ đến những bức tranh khi bạn viết. Từ ngữ của bạn có đủ để người vẽ thực hiện minh họa - các thay đổi về nơi chốn, thời gian? Liệu có quá nhiều chi tiết hay không? Bạn không cần phải mô tả mọi thứ về quần áo, cảnh vật,…  bởi nó sẽ được làm ở phần minh họa. Hãy nghĩ bằng hình ảnh và lọc ra những gì bạn không cần (ngay cả khi đấy là phần viết yêu thích; nếu nó không phục vụ cho câu chuyện, đừng ngại ngần tiễn nó ra đi!).

Tác giả: Alan Durant

Nguồn: Penguin.co.uk

POLYART - TRAINING ART DESIGN

Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.