Hôm nay, Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024
Thứ Tư, 27/03/2019 - 14:36:54
(610 lượt xem)
33 Nguyên Tắc Chung Cho Con Đường Nghệ Thuật Của Bạn (Phần 2)

33 nguyên tắc dẫn dắt bạn từ người nghiệp dư đầy hoang mang cho đến tài năng vàng của thế hệ (hay ít nhất, giúp bạn có một cuộc sống sáng tạo chất lượng hơn).

*

33 nguyên tắc chung cho con đường nghệ thuật của bạn (Phần 1)

Tác giả: Jerry Saltz - nhà phê bình nghệ thuật và cộng tác viên của tạp chí New York.

Bước 2: Cách thức để thật sự bắt đầu

Tác giả hóa trang thành Frida Kahlo, dựa vào tác phẩm Self Portrait, Dedicated to Dr. Eloesser (1940).
Ảnh: Marvin Orellana. Minh họa: Joe Darrow cho tạp chí New York.

Bài học 6: Khởi động với cây bút chì

Đừng lo lắng về bản vẽ, hãy chỉ tập trung vào việc ‘đánh dấu’ lên giấy. Tự nhủ rằng bạn chỉ đơn giản đang phác thảo, vui chơi, thử nghiệm xem mọi thứ sẽ trông ra sao thôi. Nếu bạn có thể viết, bạn đã biết cách vẽ rồi; bạn đã có sẵn hình thức của riêng mình, phong cách để viết nên những lá thư, chữ số và những nét nguệch ngoạc riêng biệt. Chúng là các thể thức của tranh vẽ. Khi bạn đánh dấu lên mặt giấy và vẽ vời, hãy chú ý đến những phản hồi vật lí từ bàn tay, cổ tay, cánh tay, đôi tai, khứu giác và xúc giác. Các nét của bạn có thể đi xa bao nhiêu trước khi bản thân cảm giác cần phải nâng bút lên khỏi mặt giấy để tạo một nét khác? Hãy tạo ra những nét ngắn hoặc dài hơn. Thay đổi cách thức bạn thực hiện, quấn ngón tay của bạn vào vải để thay đổi xúc giác, thay đổi tay khác để xem mọi thứ ra sao.

Tất cả những điều này đều mang ý nghĩa nào đó. Hãy tĩnh tâm và tập trung vào những gì bạn trải nghiệm. Đừng nghĩ chúng đẹp hay xấu. Hãy nghĩ đến việc có ích, vừa lòng hay kì lạ. Hãy giấu đi vài bí mật trong tác phẩm của riêng mình. Tạo nên vũ điệu riêng với từng trải nghiệm và ‘hợp tác’ với chúng. Chúng là người dẫn dắt, bạn theo sau. Chẳng mấy chốc bạn sẽ đi lên nhanh thôi, tạo nên các hình ảnh trực quan cho riêng mình - thô sơ, vụng về hoặc không. Tại sao phải quan tâm chứ? Bạn đang sống trong điệu nhảy của nghệ thuật cơ mà.

Hãy đem sổ vẽ theo bên mình mọi lúc. Lấp đầy giấy với nét vẽ. Đừng chỉ cố gắng vẽ kín cả trang từ góc này sang góc kia (như thế thật quá dễ dàng). Nghĩ về hình dạng (shapes), hình thức (forms), cấu trúc (structures), cấu hình (configurations), chi tiết (details), đường dẫn mắt (sweeps), sự chồng hình (buildups), phân tán (dispersals), và các bố cục (compositions) thu hút bạn.

Bài học 7: Nâng tầm các hình thức luyện tập

Ví dụ khi đang ở trên tàu và ngồi chờ đợi quanh quẩn, bạn thử vẽ bàn tay xem sao. Rất nhiều bàn tay trong một trang, chất chồng lên nhau. Bàn tay của những người khác, nếu bạn muốn. Hoặc vẽ những bộ phận khác của cơ thể mà bạn có thể quan sát được. Nhưng bạn phải chăm chú nhìn và mô tả lại với bút kim/bút chì. Đừng tự biên tự diễn! Dùng gương cũng ổn thôi, thậm chí khi bạn chỉ muốn vẽ phần từ đôi má đến miệng. Thử vẽ các kích cỡ khác nhau, tạo nên các chi tiết to lên, nhỏ đi hoặc bị xoắn lại.

Bài tập nhỏ: Hãy quên việc trở thành thiên tài và tích lũy một vài kĩ năng
Tôi nghĩ mỗi người nghệ sĩ nên:
• Làm một cái ấm bằng đất sét
• Tập khâu các mảnh vải lại với nhau
• Tỉa cây.
• Làm một cái bát gỗ trên máy tiện bằng cách chạm khắc.
• Tạo một bản in thạch bản, khắc, hoặc khắc gỗ.
• Thực hiện một bức tranh như của Dali hay phiên bản trình diễn ảnh sáng mini của Kusama để đưa những gì sẵn có ấy ra khỏi ‘hệ thống’ của bạn. 

Xin chúc mừng, bạn đang sở hữu kha khá tri thức cổ xưa rồi đấy!

Bài học 8: Tái định nghĩa kĩ năng

Kỹ năng nghệ thuật không liên quan gì đến trình độ kỹ thuật, độ chính xác của việc sao chép hay còn gọi là ‘vẽ tốt’. Mỗi nghệ sĩ tài ba có một định nghĩa khác nhau về kỹ năng. Tham gia lớp học vẽ nếu bạn muốn; học cách vẽ ‘như những bậc thầy’. Bạn vẫn phải làm điều đó theo cách riêng của mình. Pollock không thể vẽ tả thực, nhưng ông đã tạo những chấm màu lên canvas từ trên cao; trong một thời gian đủ để trở thành kỹ năng được đánh giá cao nhất trong thế giới nghệ thuật. Bạn có thể làm tương tự - kỹ năng của bạn sẽ là bất cứ điều gì mà bạn đang làm khác đi.

Bức vẽ học lại từ tranh khác vào thời gian đầu của họa sĩ Piet Mondrian.

Cho đến tác phẩm hoàn-toàn-không-có-kĩ-năng-gì nhưng cực kỳ lành nghề của ông.
Ảnh: PHOTO 12/UIG từ Getty Images 

Bài học 9: “Hãy gieo suy nghĩ vào chất liệu” — Roberta Smith

Điều này nghĩa là gì? Một vật thể nên thể hiện ý tưởng: nghệ thuật nên chứa đựng xúc cảm. Các ý tưởng và cảm giác ấy nên dễ hiểu - dù trông chúng phức tạp hay không

Ngày nay, một họa sĩ có thể trưng bày một bức tranh chỉ toàn màu nâu, với dòng chữ chạy dọc theo bức tường dài để bạn biết về việc người họa sĩ này đã lấy bức canvas đến Kosovo, gần nơi xảy ra vụ thảm sát người Serbia năm 1990 và cọ xát bụi bẩn trên tấm canvas ấy trong hai giờ khi đang bịt mắt để tưởng niệm thảm kịch trên. Gần đây, khi tôi đang nhìn vào những bức ảnh đen trắng buồn tẻ về những đám mây trên bầu trời, một người quản lí phòng tranh đã đứng cạnh tôi và phản đối nghiêm khắc, “Đây là các hình ảnh về những đám mây lơ lửng qua Ferguson, Missouri, nhằm phản đối sự bạo lực của cảnh sát“. Tôi bắt đầu la toáng lên, “Không hề! Đây chỉ là những hình ảnh ngu ngốc của những đám mây và chẳng có thứ gì liên quan đến bất kì điều chi cả.

Liệu tác phẩm Fountain của Duchamp là một tác phẩm nghệ thuật hay là một ý tưởng?
Cả hai đấy!


một câu chuyện khác. Vào mùa đông năm 1917, Marcel Duchamp, 29 tuổi, mua một bồn tiểu tại J.L.Mott Iron Works ở đường Fifth Avanue, xoay nghiêng và kí “R.Mutt 1917”, rồi đặt tựa là Fountain. Sau đó ông nộp nó cho triển lãm của Society of Independent Artists.

Fountain có nét thẩm mỹ tương đương với ‘Word made flesh’ (Ngôi lời trở thành xác thịt, một câu nổi tiếng trong Kinh thánh - n.d), nghĩa là một đối tượng cũng là một ý tưởng - rằng bất cứ điều gì cũng có thể là một tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay, nó được xem như tác phẩm nghệ thuật có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

Dự án này gieo tư tưởng vào vật chất để thay đổi quan niệm của chúng ta , rằng thế giới không chỉ là một sự phát triển mới. Khi ta nhìn thấy những bức tranh trong hang động là bản thân đang chứng kiến một trong những hệ điều hành trực quan phức tạp và tiên tiến nhất từng được phát kiến bởi loài người. Các nhà kiến tạo tác phẩm muốn khắc họa một điều gì đó họ có trong đầu vào thế giới thực và làm cho thông tin đó có thể đọc được bởi người khác. Việc này đã kéo dài hàng chục ngàn năm.

Bài học 10: Hãy tìm tiếng nói của riêng mình

Sau đó, phóng đại nó.

Tranh © Estate of Philip Guston, với sự cho phép từ the estate and Hauser & Wirth
Chụp bởi Genevieve Hanson
Philip Guston chỉ là một anh chàng thuộc trường phái Trừu Tượng Biểu Hiện chung chung.
Sau đó thì anh trở thành Philip Guston nức tiếng.
Tranh: © Estate of Philip Guston, cho phép bởi the estate and Hauser & Wirth. 
Chụp bởi Genevieve Hanson

Nếu ai đó bảo rằng tác phẩm của bạn trông giống như của một người khác và bạn nên ngừng thực hiện nó, tôi sẽ cự lại, đừng dừng việc ấy. Làm lại lần nữa. Làm điều đó 100 lần hoặc 1,000 lần. Sau đó hỏi một người bạn trong ngành mà bạn tin tưởng rằng liệu tác phẩm của bạn giờ thì đã bớt trông giống nghệ thuật của người khác hay chưa. Nếu nó vẫn trông quá giống, hãy thử một con đường khác.

Hãy tưởng tượng nỗi kinh hoàng mà Philip Guston phải cảm nhận khi ông đi theo tiếng gọi của chính mình; từ một trong những nghệ sĩ Trừu tượng Biểu hiện (Abstract Expressionist) đầu tiên vào những năm 1950 đến việc vẽ những bức tranh trông thật vụng về, các nhân vật mang tính hoạt họa đang hút vài điếu xì gà, lượn lờ khắp nơi trong chiếc xe mui trần và đội mũ trùm đầu KKK! Ông thật sự đã bị xa lánh vì điều này. Dù sao thì người nghệ sĩ ấy vẫn đi theo tiếng lòng mình. Bức tranh ấy bây giờ là một trong số tác phẩm được tôn kính nhất trong toàn bộ thời kỳ sáng tác của ông. Trong thời gian vật vờ của riêng mình, hãy thử thực hành điều dưới đây.

Bài tập nhỏ: Khảo cổ học (An Archaeology)
Tạo một chỉ mục (index), cây gia đình (family tree), biểu đồ (chart) hoặc sơ đồ (diagram) về những thú vui của bạn. Tất cả mọi thứ: thị giác, thể chất, tinh thần, tình dục. Thời gian giải trí, sở thích, món ăn, nhà cửa, sân bay, tất tần tật. Mỗi cuốn sách, bộ phim, trang web, v.v… Việc phơi bày mọi điều về bản thân có thể gây nản lòng hay đáng sợ. Nhưng tiếng gọi của bạn bắt đầu từ đây. Điều này sẽ trở thành nguồn tài nguyên và nền tảng để bạn trở lại, tiếp tục thêm thắt vào trong suốt quãng đời.

Bài học 11: Hãy lắng nghe tiếng gọi quái gở trong đầu bạn

Tôi có một loại Trường học Athens của riêng mình trong đầu. Một nhóm các đối thủ, bạn bè, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng với tôi dù còn sống hay đã mất. Tất cả họ đều lia mắt nhìn khi tôi làm việc; không ai trong số họ có ý mỉa mai gì cả. Họ thực hiện các quan sát, khuyến nghị,… =Tôi nghĩ, “Được rồi, hãy bắt đầu tác phẩm này với một cú nổ thực sự! Như Beethoven vậy.” Hoặc Barbara Kruger trong đầu tôi nói: “Hãy làm cho câu này ngắn gọn, mạnh mẽ, có tính tuyên bố và nhiệt huyết chút nào.” Led Zeppelin sẽ chen vào, “Hãy thử một thí nghiệm lông lá ở đây; hãy để tất cả được biểu lộ!” Tất cả những bức tranh Sienese tôi từng thấy đều như van nài tôi, “Làm cho nó đẹp thêm nào.”…và cuối cùng là, biên tập viên của tôi cắt chúng thành tám đoạn hoặc chỉnh sửa chúng thành một. (Tất cả các nhà văn đều cần biên tập viên. Không có ngoại lệ.) Những giọng nói này sẽ luôn ở đó khi mọi thứ trở nên khó khăn.

Bài học 12: Biết rõ về điều bạn chán ghét

Hay đó chính là bản thân bạn.

Bài tập nhỏ: Danh sách nghệ thuật

Hãy ghi ra danh sách ba người họa sĩ mà bạn không thích. Ghi ra năm điều về mỗi người mà bạn không ưng ý; càng chi tiết càng tốt. Sẽ luôn có điều gì đó ở những người này mà bạn cùng chia sẻ với họ. Hãy thật sự nghĩ về chúng.

Bài học 13: Thanh lọc

Claes Oldenburg và tác phẩm Floor Cone của ông vào năm 1963.
Ảnh thuộc bản quyền của Oldenburg van Bruggen Studio 
(c) 1962 Claes Oldenburg

Cuộc đời chính là giáo trình của riêng bạn: Hãy thu thập tài liệu từ khắp nơi.

Andy Warhol từng nói, “Tôi luôn thích làm việc với những thứ…bị bỏ đi, bị mọi người xem là chẳng còn giá trị gì nữa.” Ông cũng hiểu rằng “các cửa hàng bách hóa sẽ là những bảo tàng“; có nghĩa là thông tin thị giác đến từ khắp nơi, ngay cả trong một bao bì của Celestial Seasonngs (tên một hãng trà ở Mỹ - n.d).

Tính độc đáo không chết đi dễ dàng theo ý ta mong muốn và khăng khăng rằng nó chẳng còn. Bạn chỉ cần phải tìm nó. Bạn có thể tìm thấy bằng cách nhìn lại lịch sử nghệ thuật, các phong cách thường bị chê bai và nghi ngờ, các ý tưởng, hình ảnh hay vật bị lãng quên. Sau đó thì hãy vận dụng vào tác phẩm của mình 100 lần, thậm chí 1,000 lần hơn thế.

(còn tiếp)



Nguồn: vulture
Lược dịch: Lệ Lin
POLYART - TRAINING ART DESIGN

Xem tốt nhất với IE 7.0+, FireFox, Safari, Google Chrome, Opera (độ phân giải 1024x768+)
Copyright © 2010 by POLYGON Center. Designed by EGS.